Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ mới sinh thường có hệ thống miễn dịch yếu, khả năng đề kháng phụ thuộc chính vào kháng thể từ mẹ truyền qua lúc mang thai và qua sữa mẹ. Do vậy trẻ rất dễ bị vi khuẩn cũng như tác nhân gây bệnh tấn công.
Sự phát triển và sức khỏe của con phụ thuộc phần lớn vào quá trình ba mẹ chăm sóc, quan sát trẻ. Tốt hơn hết bạn hãy trang bị kiến thức để phòng tránh và nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để điều trị kịp thời. Cùng điểm qua các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây.
Mối nguy hiểm của bệnh tật đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh vốn có cấu trúc cơ thể lỏng lẻo, non nớt, chưa kể đến những bệnh nặng, dù là bệnh nhẹ nếu kéo dài vẫn có nguy cơ biến chứng và nguy hiểm cho trẻ. Bệnh tật gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Ở mặt thể chất, các cơn bệnh cản trở phát triển kỹ năng vận động, sự tăng trưởng ở các giai đoạn quan trọng. Bệnh kéo dài cũng khiến trẻ mệt mỏi, giảm hoạt động, ảnh hưởng tới toàn bộ thể chất của con.
Về mặt tinh thần, bệnh sơ sinh sẽ khiến trẻ căng thẳng, khó chịu, và khó tập trung, điều khiển cảm xúc. Một số bệnh tác động hệ thần kinh sẽ gây ảnh hướng tới vận động và quá trình hòa nhập cuộc sống của bé. Sẽ rất nghiêm trọng nếu bé cảm thấy bị cô lập, hoặc không kiểm soát được hành vi.
Hiện tại đã có các loại vắc xin phòng ngừa nhiều dạng bệnh, ba mẹ hãy chú ý tiêm phòng cho con đầy đủ và theo đúng lịch theo độ tuổi bộ y tế quy định. Quan tâm và theo dõi sát sao để nắm bắt các dấu hiệu bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho con.
Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và cách xử lý
Để giúp ba mẹ trạng bị thêm kiến thức chăm con, phòng ngừa bệnh và nhận biết bệnh kịp thời, chúng tôi đã tổng hợp các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh như sau:
1. Bệnh về đường hô hấp
Cảm lạnh
Cảm lạnh là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh nhân. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp chủ yếu xuất phát từ virus gây ra (phổ biến nhất là rhinovirus). Nguyên nhân khác cũng đến từ môi trường sống bụi bẩn, dị ứng do thời tiết hoặc cơ thể trẻ nhiễm lạnh.
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là trẻ bị khò khè mũi, nghẹt mũi gây khó thở, chảy nước mũi hoặc thường xuyên hắt hơi.
Khi có những dấu hiệu này, ba mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều sữa. Để con nghỉ ngơi và chăm sóc vệ sinh tốt cho con. Nếu có dịch mũi cần hút sạch, khi ngủ kê gối nằm cao đầu để tránh dịch mũi chảy ngược vào trong.
Viêm phổi
Là dạng bệnh do virus, vi khuẩn, nấm hoặc kí sinh trùng gây ra. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây suy hô hấp hoặc nhiễm trùng huyết. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Ở giai đoạn đầu, viêm phôi không có dấu hiệu đặc biệt, về sau trẻ có biểu hiện bỏ bú, sốt, hơi thở ngắn, thở gấp gáp hoặc hạ thân nhiệt. Một số trường hợp bị nôn mửa, tiêu chảy. Lúc này bạn hãy cho con tới ngay các cơ sở bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang ngựa hoặc xét nghiệm máu để chuẩn đoán chính xác.
Điều trị viêm phổi ở trẻ có tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bạn cần cho trẻ nghi ngơi, bù nước và bú sữa nhiều. Bác sĩ cũng có thể kê kháng sinh, thuốc hạ sốt, nếu trường hợp nặng sẽ tiến hành cho bé nhập viện thở oxy.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Bệnh do tác động từ virus, có thể là bị lây từ người khác, hoặc do tác động môi trường, thời tiết. Bệnh lây lan nhanh và có thể lan rộng ra cả cộng đồng trong điều kiện tiếp xúc, thời tiết lạnh, ẩm thấp. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể biến chứng nguy hiểm thành viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản hoặc viêm não. Đây là dạng bệnh ở trẻ sơ sinh cần được lưu tâm.
Dấu hiệu trẻ nhiễm bệnh như trẻ bị sốt, ho, sổ hoặc nghẹt mũi, khò khè. Trường hợp khác nghiêm trọng hơn trẻ bị sốt cao, co giật, tím tái. Hãy bổ sung nước và cho bé bú, đồng thời đưa con đi khám và điều trị theo đơn thuốc bác sĩ kê toa nếu có.
Nấc cụt
Khi cơ hoành co thắt không tự chủ và ngắt quãng, khiến trẻ hít oxy vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng lại làm trẻ bị nấc cụt. Trẻ có thể bị nấc liên tục, tần suất khoảng 3 lần một ngày, mỗi lẫn nấc trong thời gian 3 phút.
Cho bú sữa mẹ là cách chữa nấc cụt hiệu quả. Không để trẻ quá đói hoặc ăn quá no, khi ăn xong nên bế trẻ cao đầu để hỗ trợ tiêu hóa tốt. Trường hợp trẻ nấc cụt lâu không khỏi, diễn ra trong nhiều ngày nên đưa trẻ tới thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa.
2. Bệnh ngoài da
Vàng da
Vàng da thường xuất hiện sau 2-3 ngày sau sinh. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da mặt, ngực và tay chân. Nguyên nhân xuất phát từ bilirubin tích tụ nhiều trong cơ thể. Bệnh hầu hết gặp ở trẻ sơ sinh và có thể tự hết sau một thời gian.
Trường hợp vàng da xuất phát từ bệnh lý hay còn gọi là vàng da bệnh lý, trẻ cần được thăm khám và điều trị từ bác sĩ. Trẻ bị vàng da bệnh lý khi xuất hiện tình trạng vàng da trước 48 giờ sau sinh, vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và bàn chân, vàng da kèm các dấu hiệu bất thường như bú ít, co giật, sốt, phân màu bạc.
Chàm Eczema
Chàm xuất hiệu do di truyền, môi trường sống có tác nhân ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất hoặc do tiếp xúc với lông động vật. Chàm ở trẻ sơ sinh gây khô da, đỏ từng mảng, mụn nước, ngứa. Chúng xuất hiện nhiều ở tay chân, mặt sau đó lan khắp cơ thể.
Ba mẹ hãy vệ sinh tăm rửa cho con sạch sẽ đồng thời vệ sinh môi trường xung quanh nếu có các nguy cơ tác động. Trường hợp mảng da chàm trầy xước hoặc lên mủ cần đưa trẻ thăm khám tại bệnh viện.
Rôm sảy
Bệnh thường gặp do thời tiết nóng bức, tuyến mồ hôi hoạt động nhiều bị tắc nghẽn, có thể tự hết khi thời tiết mát mẻ hơn. Da trẻ mọc các nốt mẩn đầu kim nhỏ, màu đỏ, có thể có nước. Hãy cho bé mặc thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ bằng sữa tắm chuyên dụng.
Hăm tã
Nhiều ba mẹ mặc tã cho con quá chật, dùng tã nhiều, vệ sinh kém khiến con bị hăm tã. Bệnh gây ửng đỏ hoặc nặng hơn là rộp nước ở mông và bẹn gây khó chịu và làm đau trẻ. Hãy hạn chế sử dụng tã để vùng mông và bẹn của trẻ được khô thoáng. Bạn cũng nên dùng loại tã phù hợp, chất lượng và không để tã quá lâu làm nhiễm khuẩn vùng da của trẻ.
3. Bệnh tiêu hóa
Nôn trớ
Bệnh thường gặp trong thời gian trẻ sơ sinh bú sữa, trẻ sau bú sẽ trớ ra sữa màu trắng, vàng hoặc vón cục. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ bú quá nhiều, trẻ vừa bú xong đã nằm ngay, hoặc do cách bế, di chuyển trẻ sai tư thế. Trường hợp khác cũng xuất phát từ nguyên nhân hệ tiêu hóa kém, dị tật đường tiêu hóa hoặc viêm đường hô hấp trên,…
Mẹ bỉm cần cho trẻ bú đúng tư thế, để trẻ nằm nghiêng nếu bị nôn trở và cần xử lý sơ cứu nếu con bị sặc sữa.
Tiêu chảy
Do hệ tiêu hóa yếu kém nên khi được nạp thức ăn từ ngoài cơ thể vào, tiêu chảy trở thành một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị nhiễm trùng tiêu hóa, phần lớn là do các chất trong bữa ăn. Biểu hiện của bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là bé sẽ đi phân lỏng, có mùi tanh, tần suất đi ngoài nhiều lần trong ngày, đôi khi có máu trong phân.
Một nguyên nhân khác có thể do mẹ sử dụng nhiều chất đạm đến từ hải sản, khi cho con bú có thể khiến trẻ bị tiêu chảy. Do vậy mẹ bỉm cần cân bằng các chất dinh dưỡng. Bổ sung nước, sữa để con bú bù lại lượng nước mất khi bị tiêu chảy. Trường hợp nặng hoặc kéo dài 2 ngày trở lên, mẹ cần đưa con tới bệnh viện để tránh diễn biến nguy hiểm.
Táo bón
Trong thời gian cho con bú, nếu mẹ ăn nhiều đồ cay nóng hoặc cho con ăn sữa công thức không phù hợp, có thể dẫn tới trẻ bị táo bón. Bé đi nặng ít hơn 1 lần/ ngày, mỗi lần đi ra ít phân hoặc phải tốn sức rặn.
Lúc này mẹ cần bổ sung thêm chất xơ vào bữa ăn, thêm các thực phẩm rau xanh, trái cây có nhiều vitamin. Cho trẻ bú nhiều hoặc nếu dùng sữa ngoài thì cần chọn loại sữa phù hợp, có thành phần chất xơ và cân bằng các dưỡng chất khác để con dễ tiêu hóa.
Các chứng bệnh ở trẻ sơ sinh hầu hết xuất phát từ hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của trẻ còn yếu và lỏng lẻo. Bệnh có thể do di truyền, do vậy cần thăm khám định kì trong quá trình mang thai để điều trị sớm.
Trên là các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh ba mẹ cần biết để có thêm kinh nghiệm chăm sóc cũng như phát hiện kịp thời dấu hiệu bệnh ở trẻ.
Hiện nay đã có nhiều vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhiều chủng bệnh khác nhau, ba mẹ hãy cho con tiêm phòng đầy đủ theo đúng độ tuổi và lịch tiêm bộ y tế đề xuất để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ. Bản thân mẹ cũng nên có kế hoạch tiêm phòng trước khi mang thai để vừa phòng tránh cho mẹ, cũng để trẻ lúc sinh được cung cấp kháng thể cần thiết.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.