Sữa mẹ khi trữ đông có thể bảo quản được 2 - 3 tuần thậm chị là 6 tháng tùy vào loại tủ đông mẹ bỉm sử dụng. Khi trữ đông, sữa từ thể lỏng chuyển sang thể rắn, nếu muốn sử dụng bắt buộc phải rã đông.
Thường có nhiều cách để rã đông sữa mẹ, tuy nhiên nhiều trường hợp mẹ bỉm không hiểu rõ quy trình và bản chất khi cho con sử dụng sữa rã đông, khiến sữa bị giảm chất lượng hoặc mất chất dinh dưỡng, đôi khi còn gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bé.
Vậy đâu là cách cho con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông an toàn và hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông có tốt không?
Việc trữ đông sữa mẹ để con dùng dần rất phổ biến hiện nay. Không những duy trì bữa ăn dinh dưỡng cho con khi không có mẹ cho bú trực tiếp mà còn giúp mẹ bỉm có thời gian sắp xếp những công việc hàng ngày. Tuy nhiên nhiều cha mẹ vẫn đang phân vân về việc liệu có nên sử dụng sữa sau khi rã đông, liệu sữa sau khi rã đông có bị mất chất.
Theo các chuyên gia, việc sữa mẹ có bị mất chất dĩnh dưỡng sau khi bảo quản đông lạnh hay không, phụ thuộc rất nhiều vào quá trình vắt sữa – trữ sữa – bảo quản trữ đông – rã đông và hâm nóng. Hay nói cách khác, nếu ba mẹ thực hiện đúng quy trình, chuẩn khoa học, thì sữa mẹ rã đông hoàn toàn có thể duy trì được hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Nếu ba mẹ đã thực hiện quy trình trên hoàn toàn chuẩn xác, bé sử dụng đúng cách nhưng vẫn không tăng cân. Lúc này, bạn nên đưa con tới cơ sở y tế chuyên khoa nhi, để bác sĩ thăm khám và tư vấn về sức khỏe của con.
Cách cho con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông an toàn và hiệu quả
Việc chuyển sữa mẹ từ thể rắn sang thể lỏng, đồng thời thay đổi nhiệt độ sữa từ lạnh sang ấm rất dễ phá vỡ cấu trúc sữa nếu làm sai quy trình rã đông. Cách cho con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông đúng nhất như sau:
1. Rã đông sữa mẹ đúng cách
Bước đầu tiên và cũng quan trọng nhất trước khi cho bé sử dụng sữa mẹ trữ đông chính là rã đông sữa. Ngay dưới đây, chúng tôi đã tổng hợp một số phương pháp rã đông sữa chuẩn khoa học để ba mẹ có thể áp dụng dễ dàng.
a. Rã đông sữa bằng ngăn mát tủ lạnh
Trước bữa ăn của con 1 ngày, ba mẹ hoặc người chăm trẻ để túi/bình sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát của tủ. Sự chênh lệch nhiệt độ sẽ giúp sữa từ thể rắn chuyển qua thể lỏng mà vẫn được bảo quản lạnh.
Phần sữa sau khi chuyển qua dạng lỏng có thể duy trì bảo quản trong ngăn mát 24 tiếng trước khi hâm nóng sữa. Một số trường hợp vì lý do nào đó con không sử dụng, sữa mẹ đã rã đông tuyệt đối không được tái cấp đông lại.
Mẹ bỉm chỉ nên rã đông đủ lượng sữa cho bữa ăn của bé, không rã đông nhiều gây lãng phí phần sữa dư thừa.
b. Rã đông sữa mẹ bằng nước lạnh
Ngoài cách sử dụng ngăn mát, mẹ có thể sử dụng thau nước đá lạnh để ngâm phần sữa đang ở dạng đông rắn. Nếu thời tiết nóng gây tan đá nhanh, mẹ cần luôn phiên bổ sung đá lạnh cho tới khi sữa ở dạng lỏng và mang đi hâm nóng.
2. Hâm nóng sữa mẹ sau khi rã đông
Sau khi sữa đã về thể lỏng, nhưng nhiệt độ vẫn còn lạnh, con chưa thể sử dụng được luôn. Lúc này hãy hâm nóng sữa bằng cách:
a. Hâm nóng sữa mẹ bằng nước ấm.
Sữa mẹ sau khi rã đông thường hay bị tách lớp. Điều này hoàn toàn bình thường khi trữ đông sữa, lớp váng bên trên là chất béo trong sữa. Lúc này mẹ xoai hoặc lắc nhẹ để phần váng và phần nước sữa hòa với nhau sau đó mới mang đi hâm nóng.
Mẹ dùng thau đổ đầy nước ấm, sau đó đặt bịch, bình sữa vô thau. Nhiệt độ nước hâm sữa phù hợp nhất là 40 độ C. Hâm nóng sữa cho tới khi sữa đạt nhiệt độ có thể cho con ăn. Thời gian hâm nóng tối đa là 10 phút.
Mẹ hãy chắc chắn rằng nhiệt độ và thời gian hâm nóng này được kiểm soát, vì nhiệt độ quá cao hoặc thời gian ngâm quá lâu sẽ làm một số vitamin, khoáng chất trong sữa bị biến chất.
b. Hâm nóng bằng máy hâm sữa.
Máy hâm sữa là thiết bị được nhiều ba mẹ tin dùng hiện nay. Thiết bị này giúp ba mẹ kiểm soát thời gian hâm nóng và nhiệt độ hâm chuẩn xác mà không cần dụng cụ đo hay công cụ đếm số phút. Giúp ba mẹ tiết kiệm được phần lớn thời gian mà vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của sữa.Bạn chỉ cần đặt túi hoặc bình sữa vào máy và cài đặt chế độ hâm sữa với nhiệt độ 40 độ C trong thời gian 10 phút. Sau đó kiểm tra nhiệt độ sữa phù hợp là có thể hoàn toàn yên tâm cho con sử dụng.
Lưu ý khi cho con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông
1. Quan sát và kiểm tra mùi sữa sau khi rã đông
Trước khi con sử dụng, mẹ cần quan sát và kiểm tra mùi sữa. Sữa mẹ sau khi rã đông và hâm ấm thường có mùi dễ chịu và trắng ngà. Nếu sữa có mùi tanh, hôi hoặc váng sữa kết tủa không tan, thì có thể sữa đã bị hỏng.
Tuy nhiên sữa mẹ bảo quản trong tủ lạnh khó tránh khỏi mùi tanh nhẹ. Để kiểm tra sữa hỏng hay chưa, ở bước cuối trước khi cho con ăn, mẹ nên đổ một ít sữa ra cốc nhỏ và tự nếm thử lại để đảm bảo sữa không có mùi vị lạ, sau đó cho con sử dụng bình thường.
2. Không rã đông sữa bằng nhiệt độ phòng
Ở điều kiện nhiệt độ phòng, sữa mẹ sẽ rã đông lâu và mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cho các vi khuẩn sinh sôi và tấn công làm hư sữa. Nhiệt độ môi trường ngoài sẽ khiến sữa biến chất, bị tanh và làm sữa bị nhiễm khuẩn.
3. Không sử dụng lò vi sóng để hâm sữa
Sử dụng lò vi sóng hâm sữa tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Nhiệt độ cao từ lò vi sóng và sóng điện từ sẽ phá hủy cấu trúc của sữa mẹ. Hơn nữa mức nhiệt độ của lò vi sóng làm nóng không đều, sẽ có thể gây bỏng cho trẻ khi sử dụng
4. Không lắc bình sữa đã rã đông.
Như đã nói ở trên, sữa khi rã đông thường có tách lớp béo. Mẹ chỉ nên xoai hoặc lắc nhẹ để chất béo được hòa tan vào sữa. Không nên lắc quá mạnh hoặc lắc nhiều lần để tránh sữa mẹ bị thay đổi cấu trúc, gây biến chất và giảm giá trị dinh dưỡng
5. Không pha sữa đã rã đông cùng với sữa mới vắt
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa sữa mới và sữa rã đông nếu pha chung có thể làm hư sữa. Sữa rã đông sau khi hâm nóng có thể sử dụng tối đã trong vòng 2 giờ. Sau 2 giờ, dù bé đã uống hay chưa vẫn phải bỏ phần sữa này. Không nên vì tiết kiệm mà pha với sữa mới vắt sẽ làm hư toàn bộ sữa.
Trên đây là những chia sẻ cho bạn về cách cho con sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông an toàn và hiệu quả. Nắm bắt được cách sử dụng chính xác sẽ giúp con có đủ nguồn sữa dĩnh dưỡng và phát triển khỏe mạnh. Với sự đồng hành từ các chuyên gia dinh dưỡng uy tín hàng đầu, hi vọng bài viết trên mang lại cho các ba mẹ những kiến thức bổ ích để quá trình chăm con luôn thuận lợi và nhiều niềm vui.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.