Vì sao việc massage và vắt sữa mẹ bằng tay là cần thiết khi nuôi con bằng sữa mẹ?
Vắt sữa mẹ bằng tay là kỹ thuật bạn dùng tay thay cho bé hoặc máy hút sữa để hút sữa mẹ ra khỏi bầu ngực. Kỹ năng này khá đơn giản để học và là một kỹ thuật tốt để biết và thực hành khi bạn bắt đầu quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Bạn có thể thắc mắc tại sao mọi người lại muốn vắt sữa mẹ bằng tay khi họ có thể sử dụng máy hút sữa.
Câu trả lời là việc vắt sữa bằng tay mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích thực tế.
Cụ thể, một số người không thích cảm giác hoặc âm thanh khi sử dụng máy móc nên việc thực hiện vắt sữa thủ công sẽ trở thành lựa chọn tốt nhất.
Ngoài ra, việc vắt sữa bằng tay cho phép chúng ta luôn luôn chủ động mà không phải phụ thuộc vào máy móc hay nguồn điện.
Việc vắt sữa bằng tay là hoàn toàn miễn phí.
Trong trường hợp sử dụng máy hút sữa, việc massage vú trước khi hút sữa bằng máy cũng sẽ giúp mẹ hút được lượng sữa nhiều hơn so với khi không thực hiện massage.
Ngoài ra, việc thực hiện vắt sữa bằng tay thường xuyên có thể giúp mẹ sớm nhận ra những dấu hiệu bất thường của bầu ngực trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Cách vắt sữa mẹ bằng tay
Vắt sữa mẹ bằng tay là một kỹ năng có thể mất thời gian và một chút luyện tập để học cách thực hiện đúng cách. Việc thực hiện đúng các bước vắt sữa sẽ giúp mẹ tránh khỏi các thương tổn và các vấn đề về sức khỏe không đáng có trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Bạn có thể làm theo các bước sau để vắt sữa mẹ bằng tay. Hãy nhớ chuẩn bị sẵn bình, cốc hoặc bát bảo quản để hứng sữa đang vắt. Dưới đây là hướng dẫn từng bước để vắt sữa mẹ bằng tay.
Bước 1: Rửa tay sạch với xà phòng và nước.
Bước 2: Chuẩn bị một tư thế thoải mái và thư giãn.
Bước 3: Đắp một chiếc khăn ấm lên ngực hoặc xoa nhẹ ngực trong vài phút trước khi bắt đầu giúp sữa mẹ chảy ra.
Bước 4: Đặt tay lên ngực ở tư thế giữ chữ C. Nghĩa là, đặt ngón tay cái của bạn lên phía trên vú và các ngón tay bên dưới vú sao cho bàn tay của bạn có hình chữ C. 2 Ngón cái và các ngón tay của bạn phải cách núm vú 1 đốt ngón tay.
Bước 5: Tay còn lại giữ cốc hứng sữa sạch hoặc bình trữ sữa mẹ dưới bầu vú sao cho núm vú của bạn ở ngay phía trên bầu vú.
Bước 6: Bắt đầu nhẹ nhàng đẩy ngực về phía cơ thể bằng ngón cái và các ngón tay khác.
Bước 7: Dần dần đẩy ngón tay cái và các ngón tay của bạn lại với nhau. Sau đó, sử dụng chuyển động lăn khi bạn đưa tay về phía trước về vị trí bắt đầu ban đầu. Chuyển động lăn nhẹ nhàng sẽ đẩy sữa mẹ ra khỏi ống dẫn sữa.
Hãy dùng lực ấn chắc nhưng nhẹ nhàng vì mô vú của bạn rất nhạy cảm và có thể bị bầm tím hoặc tổn thương nếu bạn tác động quá mạnh.
Bước 8: Nghiêng người về phía trước một chút để hứng sữa mẹ đang chảy ra hoặc phun ra từ núm vú của bạn. Hãy cẩn thận để lấy sữa mẹ vào cốc thu gom mà không để sữa chạm vào tay bạn trước.
Bước 9: Lặp lại các bước 6 và 7 với tốc độ đều đặn, nhịp nhàng cho đến khi không còn sữa mẹ chảy ra nữa hoặc cho đến khi bạn đã giảm bớt tình trạng căng tức. Nếu bạn có ý định hút hết sữa ra khỏi ngực, hãy xoay tay sang vị trí khác xung quanh núm vú (C, U, C ngược, U lộn ngược) để vắt hết tất cả các vùng của vú và bắt đầu lại quá trình.
Khuyến cáo: Nên cho bé bú sữa bạn đã vắt ngay hoặc gói kín vào túi hoặc hộp đựng sữa mẹ và bảo quản để sử dụng sau.
Việc thực hành vắt sữa mẹ bằng tay sau khi sinh con mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật, nó có thể gây ra đau đớn và tổn thương tuyến sữa, thậm chí gây tắc sữa, không đủ sữa mẹ để nuôi con.
Do đó, bên cạnh việc thực hiện theo các bước hướng dẫn, mẹ cũng cần luyện tập vắt sữa thường xuyên để trở nên thành thạo.
Các mẹ sau khi sinh con tại bệnh viện có thể hỏi sự giúp đỡ từ các ý tá hoặc điều dưỡng để có thể thực hành chuẩn nhất cách massage vú và vắt sữa mẹ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào hoặc xuất hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe sau quá trình thực hành, các mẹ nên lập tức liên lạc với bác sĩ hoặc chuyên gia sản khoa để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của ThS. ĐD. Phùng Thị Thanh Vân (Điều dưỡng Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh).