Trong nội dung dưới đây, Babie Mom Care sẽ giúp các mẹ hiểu rõ những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ!
Những lợi ích đối với sức khỏe trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng toàn diện
Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân, Điều dưỡng trưởng tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết, sữa mẹ có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu đời.
Trong sữa mẹ có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như: Protein (chất đạm), Lipid (chất béo), Carbohydrate (tinh bột), Oligosaccharide, Vitamin và khoáng chất, kháng thể, Enzynme và hormone. Các thành phần này cũng được cân bằng một các hoàn hảo trong sữa mẹ khi người mẹ có chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sau sinh.
Sữa mẹ thúc đẩy sự phát triển của cơ thể trẻ
Việc được bú sữa mẹ đầy đủ trong giai đoạn đầu đời giúp trẻ hoàn thiện cơ thể tốt hơn. Các chất dinh dưỡng cân bằng được bổ sung cho trẻ qua sữa mẹ sẽ cung cấp năng lượng đầy đủ để cơ thể hoàn thiện từng ngày.
Đồng thời, việc có chứa các chất kháng khuẩn cũng giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên trong cơ thể trẻ nhỏ, từ đó hạn chế các tình trạng bệnh lý như đường ruột, nhiễm trùng.
Được bú mẹ đầy đủ, trẻ sẽ lớn nhanh, ngăn chặn nguy cơ diễn ra tình trạng suy dinh dưỡng.
Sữa mẹ kích thích sự phát triển của não trẻ
Nuôi con bằng sữa mẹ đã được chứng minh rộng rãi có thể giúp cải thiện sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu do Tiến sĩ Bernardo Lessa Horta của Đại học Liên bang Pelotas tại Brazil, dẫn đầu, đã chỉ ra rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ trong những năm đầu đời có thể giúp nâng cao chỉ số thông minh, đồng thời, cải thiện mức độ tập trung và khả năng học tập của trẻ khi lớn lên.
Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn
Sữa mẹ là sự tổng hòa toàn diện của các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời, đây cũng là ‘thực phẩm’ chưa vô số những chất kháng khuẩn. Do đó, khi trẻ được bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ có khả năng chống lại được virus và các vi khuẩn có hại.
Theo Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân, đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ sơ sinh hạn chế tình trạng đau ốm và tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh cho con.
Dễ tiêu hóa, sử dụng hiệu quả
Sữa mẹ là nguồn ‘thực phẩm’ được cơ thể người mẹ sinh ra dành riêng cho trẻ nhỏ, bởi vậy, đây là thức ăn phù hợp nhất cho trẻ trong những năm tháng đầu đời. Sữa mẹ được cơ thể người mẹ tự điều chỉnh để giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu.
Cùng với đó, các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng, trong sữa mẹ có chứa một lượng vi sinh vật có lợi giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn đáng kể.
Sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Sữa mẹ là sản phẩm được cơ thể người mẹ đặc biệt sinh ra và bảo quản trong điều kiện hoàn hảo để cung cấp cho trẻ. Do đó, đây là thực phẩm hoàn toàn sạch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của các em bé sơ sinh.
Những lợi ích mang lại cho sức khỏe của người mẹ
Cho con bú sữa mẹ giúp co hồi tử cung nhanh hơn
Trong suốt thai kỳ, tử cung người mẹ phải giãn rộng để đáp ứng sự phát triển của thai nhi. Sau khi sinh, tử cung sẽ dần co lại.
Theo Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân, các nghiên cứu hiện có cho thấy, khi cho trẻ bú đúng cách, lượng hormone Oxytocin trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, từ đó giúp co hồi tử cung tốt hơn và giảm chảy máu, giúp tử cung sớm trở về lại kích thước trước đó.
Cho trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics – AAP) và Trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists) khuyến khích người mẹ sau sinh nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không sử dụng sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc.
Sau khoảng thời gian này, khi bé ăn được các loại thực phẩm khác, sữa mẹ vẫn là ‘thức phẩm’ khuyến khích được duy trì cho tới khi bé được ít nhất 1 tuổi và kéo dài tới khi 2 tuổi hoặc lâu hơn.
Mẹ nên bắt đầu cho con bú sữa trong khoảng 1 giờ đầu, đồng thời việc cho con bú sữa non ngay khi mẹ về sữa là điều vô cùng cần thiết.
Sữa non là những giọt sữa đầu tiên được cơ thể mẹ tiết ra sau khi sinh con, nó thường có màu vàng nhạt, đặc, thành phần trong sữa có nhiều kháng thể, các tế bào bạch cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể trẻ, chống nhiễm khuẩn, dị ứng. Đặc biệt, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong thành phần sữa non có chứa yếu tố giúp trẻ phát triển bộ máy tiêu hóa, chống dị ứng.
Cho con bú thường xuyên giúp phòng cương tức sữa cho mẹ
Theo Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân, một số mẹ có thói quen chỉ cho con bú khi ngực căng sữa. Tuy nhiên, việc làm này là không khoa học.
Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết, bầu sữa bị cương tức thường xảy ra do lưu lượng máu trong bầu ngực mẹ tăng cao trong những ngày sau sinh. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm giúp ngực tiết sữa nhưng lại khiến người mẹ bị đau và khó chịu sau sinh.
Việc cho con bú sớm ngay sau khi chào đời và bú thường xuyên sẽ giúp mẹ tránh được tình trạng cương tức sữa, sưng phù, thậm chí có thể là áp xe vú, tắc tia sữa,...
Giảm nguy cơ ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp phòng ngừa ung thư buồng trứng do làm giảm thời gian rụng trứng của người mẹ, từ đó làm giảm tuổi của buồng trứng.
Bên cạnh đó, việc cho con bú giúp làm giảm kích thích ở màng trong nội mạc tử cung giúp bảo vệ và ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung.
Đặc biệt, 1 bà mẹ nếu không cho con bú hoặc cho con bú không thường xuyên sẽ thường gặp phải tình trạng tắc tia sữa và viêm bầu ngực, trong đó, viêm là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư vú. Do đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp mẹ phòng tránh được nguy cơ này.
Chậm có kinh trở lại, hạn chế nguy cơ có thai sớm
Như đã nói phía trên, việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian đầu đời của trẻ giúp quá trình rụng trứng của mẹ bị ‘đình trệ’ trong vài tháng sau sinh. Điều này cũng giúp cơ thể người mẹ tránh được nguy cơ có thai sớm sau kỳ sinh nở, từ đó tạo điều kiện hồi phục tốt nhất cho thể trạng và chăm sóc cho em bé được tốt hơn.
Gia tăng tình mẫu tử
Việc thường xuyên ôm ấp và cho con bú sữa mẹ sẽ giúp gia tăng sự khắng khít và hình thành tình mẫu tử sâu đậm từ mẹ và em bé.
Y học cổ truyền cho rằng sữa là tinh của huyết, dòng sữa mẹ chính là một phần cơ thể người mẹ. Sau khi ra đời, sữa mẹ chính là phần thân thể của mẹ trực tiếp tiếp tục nuôi nấng và cung cấp các nguồn dưỡng chất thiết yếu giúp em bé lớn lên khỏe mạnh.
Việc cho con bú và con được bú sữa mẹ cũng vô hình xây dựng tình cảm đậm sâu giữa hai cá thể.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Việc cho con bú sữa mẹ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể so với việc sử dụng sữa công thức.
Theo đó, bằng nguồn sữa sẵn có, mẹ sẽ không cần phải lo lắng về việc pha chế sữa công thức và rửa các dụng cụ đựng sữa, từ đó giúp người mẹ tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Đồng thời, việc cho con ti mẹ cũng giúp cung cấp nhiều lợi khuẩn giúp bé phát triển khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt, tiêu hóa kiếm,... từ đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí y tế.
Lợi ích đối với xã hội
Giảm nguy cơ bệnh tật
Theo Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân, sữa mẹ là nguồn dịnh dưỡng toàn diện giúp cung cấp các dưỡng chất, vitamin, kháng thể và nhiều lợi khuẩn có lợi cho em bé.
Việc được bú mẹ ngay sau khi ra đời và bú mẹ thường xuyên sẽ giúp bé được lớn lên khỏe mạnh tự nhiên, trong khi hạn chế được đáng kể các nguy cơ bệnh tật.
Giảm các chi phí y tế
Việc được bú mẹ đầy đủ giúp cơ thể bé phát triển tốt, các cơ chế chống lại vi khuẩn và các tác nhân gây hại từ môi trường cũng được hình thành nhanh chóng giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Đây là yếu tố cốt lõi giúp bé hạn chế các tình trạng đau ốm hoặc hình thành các yếu tố gây hại cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp gia đình giảm đáng kể các chi phí y tế.
Hỗ trợ biên tập: Ths.ĐD Phùng Thị Thanh Vân - Điều dưỡng trưởng Khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM)