Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, nâng cao sức đề kháng và cải thiện tăng trưởng cho trẻ nhỏ trong những tháng năm đầu đời. Việc nuôi con bằng sữa mẹ vô cùng cần thiết nhưng tới thời điểm nhất định, bất cứ trẻ nhỏ nào cũng đều phải cai sữa.
Khi cai sữa, trẻ đa phần sẽ thấy hụt hẫng, quấy khóc và không thỏa hiệp với mẹ do vậy mẹ cần chọn phương pháp hợp lý và khoa học để giúp con nhanh vượt qua đồng thời trưởng thành hơn. Cẩm nang dưới đây mách bạn các mẹo cai sữa thành công cho con vừa dễ thực hiện lại hiệu quả cao.
Thời điểm hợp lý cai sữa cho con
Như chúng ta đã biết, trong sữa mẹ có nhiều kháng thể, các men và bạch cầu có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi đến khi 2 tuổi.
Bước qua giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cần nhiều hơn sự đáp ứng của sữa mẹ, trẻ cần được bổ sung các bữa ăn dặm, sữa công thức. Lúc này mẹ có thể cân nhắc tới giai đoạn cai sữa mẹ cho bé.
Trên thực tế, mỗi trẻ có sức khỏe và sự phát triển khác nhau, do vậy không có một thời điểm nào chính xác nào quy định cần cai sữa cho bé. Tùy vào hoàn cảnh và tình trạng của con, mẹ có thể thực hiện cai sữa khi trẻ có các dấu hiệu như:
- Bé có thể tự ngồi thẳng: Khi trẻ được gần 1 tuổi và tự ngồi thẳng được là lúc hệ thần kinh và hệ vận động cứng cáp hơn. Lúc này sức đề kháng của trẻ được hình thành cơ bản có thể chống lại các tác động từ môi trường ngoài trong quá trình cai sữa.
- Trẻ bập bẹ tập nói: Thời gian này là lúc hệ thần kinh của trẻ phát triển mạnh mẽ, các giác quan dần hoàn thiện. Mẹ cai sữa kết hợp bổ sung sữa ngoài lên khoảng 500-600ml đồng thời bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng trong bữa ăn dặm.
- Phân biệt được màu sắc: Đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về nhận thức cơ bản.
- Trẻ ăn được cháo hoặc cơm nhão: Thời điểm phù hợp để cai sữa cho con, trẻ có khả năng nhai, nuốt khi được độ tuổi từ 18-24 tháng.
- Trẻ có thể leo cầu thang, tham gia các hoạt động thể chất cơ bản như leo, bò, chạy, tập đi.
Ngoài ra mẹ cai sữa cho con còn liên quan tới sức khỏe hoặc cuộc sống của mẹ. Nên cai sữa ngay cho trẻ khi mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh liên quan tới bầu vú hoặc khi sức khỏe gặp vấn đề cần dùng tới thuốc kháng sinh.
Các mẹo cai sữa thành công cho bé
Mẹ có thể thực hiện một trong những mẹo dưới đây, cách làm đơn giản nhưng mang tới hiệu quả cao:
Cách 1: Thay đổi màu sắc bầu ngực
Mẹ có thể làm cách này dành cho những bé đã phân biệt được màu sắc. Dùng son, màu củ nghệ, củ dền hoặc dán băng dính lên phần bầu ngực. Khi thấy bầu ngực mẹ có sự thay đổi, trẻ sẽ dần dần không đòi bú nữa.
Cách 2: Sử dụng ti giả
Trẻ từ khoảng 3 tháng tuổi, mẹ có thể dùng ti giả cho con ngậm và chuyển dần sang bú bình. Bằng cách này, bé sẽ tập dần quen và không phụ thuộc vào sữa mẹ. Tuy nhiên mẹ cần chú ý vệ sinh núm vú để đảm bảo an toàn cho con sử dụng.
Phương pháp này có một nhược điểm đó là thời điểm chuyển đổi cần tập cho trẻ cai ti giả. Song bạn vẫn có thể tập dần cho bé thích nghi sự thay đổi này, việc của mẹ là cần kiên nhẫn và làm theo hướng dẫn đúng cách.
Cách 3: Dùng cloxit cai sữa cho bé
Cloxit là một loại thuốc đắng an toàn đối với trẻ và cũng không làm đau mẹ. Cách làm là nghiền nát cloxit sau đó hòa cùng ít nước. Mẹ bôi hỗn hợp này lên đầu vú. Khi trẻ cảm nhận được vị đắng của thuốc, trẻ sẽ tự động ngừng bú. Mẹ áp dụng cách này vài lần, bé có thể cai sữa mẹ thành công.
Cách 4: Thay thế từng bữa bú sữa
Để trẻ cai sữa và không cảm thấy đói, thèm sữa, mẹ có thể bổ sung các bữa ăn dặm cho trẻ. Mẹ cho trẻ ăn những bữa phụ như trái cây cắt nhỏ hoặc nghiền, bánh flan, bánh quy, ... để trẻ cảm thấy no và không thèm bú sữa mẹ. Đây là cách cai khá hiệu quả được nhiều mẹ bỉm áp dụng.
Cách 5: Tự làm mất sữa
Mẹ sử dụng một số thực phẩm tự nhiên như: Lá bạc hà, lá lốt, lá dâu, hoa lài,... để làm mất sữa. Khi trẻ bú ti mẹ và không thấy sữa, sau một thời gian sẽ ngưng bú. Cách làm này hiệu quả nhưng thời gian đầu, mẹ có thể bị đau rát đầu vú vì trẻ sẽ cố cắn và kéo để tìm nguồn sữa.
Cách 6: Tạm thời tránh mặt
Trong thời gian trẻ tập cai sữa, bé sẽ thấy hụt hẫng, quấy khóc đòi mẹ cho bú. Lúc này mẹ nên tạm thời tránh mặt để bé tập làm quen dần sau khoảng 2-3 ngày. Ngoài ra cần có ba là người con gần gũi để chăm sóc và dỗ dành bé. Tuy nhiên cách này không được khuyến khích nhiều vì có thể khiến tâm lý con sợ hãi, cảm thấy không an toàn.
Cách 7: Giảm dần số lần bú sữa mẹ và chuyển dần sang sữa công thức
Để cai sữa mẹ thành công cho con, mẹ bỉm cần giảm số lần cho bé bú trong 1 ngày. Song song với đó có thể thay thế dần bằng sữa công thức để con bú bình. Mẹ cần chắc chắn rằng sữa công thức chọn lựa phù hợp với bé và có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
Nên chọn loại sữa có thành phần dễ tiêu hóa, vì khả năng cao ban đầu trẻ đổi sữa có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của con khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu. Nên cho trẻ bú một ít trước để xem xét cơ thể con phản ứng như thế nào đối với loại sữa đó.
Lưu ý khi cai sữa mẹ cho trẻ
Để cai sữa cho con đúng cách và an toàn đối với sức khỏe của trẻ, mẹ cần chú ý:
- Trước khi cai sữa, trẻ phải có sức khỏe tốt, không bị ốm đau. Khi bị ốm, trẻ rất kén ăn và sự thay đổi về nguồn dinh dưỡng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con.
- Không cai sữa trong lúc thời tiết giao mùa, hoặc thời tiết khắc nghiệt quá nóng hay quá lạnh. Thời điểm này bé rất dễ mắc các bệnh, hệ miễn dịch phải gồng gánh để chống lại các tác nhân từ môi trường.
- Trong thời gian cai sữa, sẽ có thời điểm rất khó khăn, trẻ cáu kỉnh, quấy khóc, mẹ cần kiên nhẫn và tập dần cho con.
- Không cắt sữa mẹ đột ngột mà giảm dần tần suất để con làm quen với sự thay đổi, không bị sốc dẫn tới không hợp tác với mẹ.
- Mẹ đảm bảo rằng vẫn cung cấp dinh dưỡng đầy đủ trong thời gian cai dần sữa cho con.
- Mẹ bỉm nên thường xuyên massage ngực hoặc hút sữa ra ngoài trong giai đoạn cai sữa để tránh căng tức ngực.
Cai sữa mẹ là dấu mốc quan trọng trong quá trình con phát triển và trưởng thành. Lựa chọn được phương pháp cai sữa phù hợp rất cần thiết cho cả bé và mẹ. Hy vọng những chia sẻ từ cẩm nang các mẹo cai sữa thành công sẽ giúp mẹ và bé dễ dàng hơn trên con đường “chia tay” với bầu sữa mẹ.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.