Cẩm nang cho mẹ: Mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả.
Thời tiết mùa hè cao điểm cũng là mùa trẻ nhỏ dễ mắc các vấn đề về da trong đó có hăm tã. Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều cha mẹ khi chăm sóc con nhất là với bé dưới 6 tháng tuổi. Việc mặc tã thường xuyên khiến vùng da trẻ ẩm ướt, dẫn tới bị hăm.
Điều trị hăm tã không đúng cách hoặc để tình trạng kéo dài có thể khiến trẻ đau đớn, khó chịu và ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng đế quá trình phát triển thể chất và tinh thần của bé. Hãy cùng chúng tôi tham khảo ngay những mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh đơn giản mà rất hiệu quả.
Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh
Hăm tã xuất hiện khi bị các tác động từ vi khuẩn, nấm gây kích ứng da. Thông thường những mầm bệnh này vẫn tồn tại trên da với số lượng nhỏ, không đủ gây viêm nhiễm. Tuy nhiên với làn da trẻ còn mỏng manh và nhạy cảm, chỉ cần vài yếu tố nhỏ thuận lợi, mầm bệnh sẽ phát triển làm xuất hiện các triệu chứng hăm tã.
Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
- Sự ma sát với bỉm, quần áo chật chội, cơ quan bài tiết của da bị bít kín dẫn tới hăm tã.
- Trẻ mặc bỉm lâu, da tiếp xúc với phân và nước tiểu bị kích ứng. Điều này dễ xảy ra hơn nếu trẻ bị tiêu chảy do phân dễ gây kích ứng hơn là nước tiểu.
- Trẻ bị hăm tã cũng có thể do dị ứng với một chất nào đó. Chất này thường đến từ thành phần sản xuất bỉm, khăn lau, thuốc tẩy hoặc nước xả vải quần áo.
- Thời tiết nắng nóng, trẻ mặc bỉm thường xuyên dẫn tới vùng da mông, bẹn, cơ quan sinh dục ẩm ướt. Đây là điều kiện hoàn hảo cho các vi khuẩn và nấm men phát triển khiến da trẻ bị nhiễm trùng và bị hăm.
- Trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, thành phần trong phân sẽ thay đổi. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây hăm tã. Những thay đổi trong bữa ăn có thể làm tăng số lần đi phân khiến da trẻ bị kích ứng. Hoặc trẻ bú sữa mẹ bị tác động của thành phần thức ăn mẹ đã ăn trước đó cũng có khả năng bị hăm tã.
- Do cơ địa da nhạy cảm. Một số trẻ có tiền sử mắc bệnh về da, ví dụ như viêm da dị ứng hoặc chàm có thể dễ bị hăm tã hơn.
- Do thuốc kháng sinh trẻ đang sử dụng hoặc nếu trẻ bú sữa mẹ mà mẹ đang dùng thuốc kháng sinh. Các vi khuẩn có lợi trên dã dễ bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh, do vậy trẻ dễ bị hăm tã hơn.
Triệu chứng hăm tã ở trẻ
Đặc trưng dễ thấy nhất là vùng da mông xuất hiện mảng đỏ tươi kèm hồng ban. Trường hợp trẻ bị hăm tã nặng, vùng da có thể bị chảy máu gây đau đớn cho bé. Nếu có tình trạng nhiễm trùng, sẽ gây chảy mủ, đóng mài ở vùng da mang tã.
Vùng da bị hăm tã thường gây đau đớn cho trẻ nhất là khi vùng da này tiếp xúc với phân hoặc nước tiểu. Trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, vằn mình khó chịu, ngủ không ngon giấc. Một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể khiến trẻ sốt hoặc bú ít hơn. Điều quan trọng là ba mẹ cần biết cách xử lý sớm để hạn chế tổn thương lan rộng và làm dịu những vùng da bị kích ứng.
Mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh
1. Dùng sữa mẹ trị hăm tã
Trong sữa mẹ có nhiều kháng sinh tự nhiên, giúp làm sạch và diệt khuẩn trên da, từ đó đẩy lùi các triệu chứng hăm tã. Mẹ bỉm chỉ cần lấy một ít sữa mẹ nhỏ lên vùng da bị hăm và để khô trước khi cho bé mặc tã mới.
Đây là cách trị hăm tã rất an toàn lại hiệu quả trên da của trẻ sơ sinh. Dùng sữa mẹ cũng là cách tiết kiệm chi phí đáng kể.
2. Dùng dầu dừa
Dầu dừa là biện pháp trị hăm tã ở trẻ khá phổ biến được nhiều bà mẹ bỉm sử dụng. Trong thành phần dầu dừa có tính năng kháng nấm và kháng khuẩn tốt. Đây là bài thuốc tự nhiên chữa hăm tã hiệu quả.
Mẹ bỉm rửa sạch tay sau đó dùng một ít dầu dừa bôi lên vùng da bị hăm tã. Dầu dừa sẽ làm dịu các vết sưng đỏ cũng như cấp ẩm và mềm da cho bé.
3. Lá chè xanh
Nhờ chứa nhiều vitamin, lá chè tươi có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và dưỡng da rất tốt. Cách dùng rất đơn giản như sau:
Bước 1: Mẹ chuẩn bị một nắm lá chè xanh tươi, một lít nước và một ít muối trắng.
Bước 2: Rửa sạch và ngâm lá chè với nước muối loãng khoảng 5 phút.
Bước 3: Thả lá trà vào nồi nước sôi cùng với 5g muối và đun tiếp tầm 10 phút sau đó tắt bếp và chờ nguội (còn khoảng 35-38 độ).
Bước 4: Bỏ phần bã chè, dùng khăn sạch và mềm thấm nước chè xanh. Nhẹ nhàng thấm khăn và rửa phần da bị hăm của trẻ.
Lưu ý: Không dùng nước chè xanh trị hăm trong trường hợp da trẻ có vết thương trầy, hở, sưng tấy có mủ vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
4. Lá khế
Lá khế có chữa nhiều magie, kẽm, vitamin c, sắt, photpho và chất chống oxy hóa có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng, sát khuẩn trên da. Do vậy lá khế thường được sử dụng điều trị một số bệnh về da trong đó có hăm tã.
Mẹ sử dụng lá khế đã rửa sạch và ngâm qua nước muối loãng, sau đó giã nát. Đun sôi lá khế với khoảng 1 – 1.5 lít nước rồi để nguội tầm 35-38 độ và chắt lấy nước. Dùng khăn sạch thấm nước lá khế để lau nhẹ nhàng vùng da hăm của trẻ.
5. Lá trầu không
Từ xưa ông bà ta đã sử dụng lá trầu không như một vị thuốc chữa nhiều bệnh. Lá trầu có chứa nhiều eugenol, chavicol, tannin, vitamin C, B1 có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm rất hiệu quả. Tương tư như lá khế, mẹ cũng vò nát và đun sôi với nước (200ml) trong vòng 10 phút. Đợi nguội bớt rồi chắt và thấm lau vùng da cho con.
6. Bột yến mạch
Bột yến mạch chứa nhiều protein, giúp làm dịu và nuôi dưỡng cấu trúc da. Ngoài ra còn giúp loại bỏ các bụi bẩn, tế bào chết và dầu thừa lỗ chân lông của trẻ sơ sinh. Dùng một muỗng canh bột yến mạch pha cùng nước tắm, khuấy đều và để trẻ ngâm tầm 10-15 phút. Có thể cho con sử dụng tầm 2 lần/ngày nếu bé đang bị hăm tã nặng.
7. Lô hội
Mẹ sử dụng lô hội cắt lát mỏng, bôi lên vùng da bị hăm. Chờ khô rồi mới mặc quần hoặc tã cho bé. Lô hội chứa nhiều vitamin E làm dịu vùng da bị sưng đỏ và cấp ẩm giúp da mềm mại nhanh lành hơn.
8. Khổ qua
Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng. Loại quả này có tính sát khuẩn, làm sạch và làm mát da, giúp đẩy lùi các triệu chứng hăm tã. Mẹ sử dụng khổ qua trị hăm tã như sau:Bước 1: Chuẩn bị khoảng 2-3 trái khổ qua đã rửa sạch, cùng với 2 lít nước và ít muối trắng.
Bước 2: Loại bỏ hột, ruột chỉ lấy phần thịt khổ qua. Cắt lát mỏng rồi đun với nước và 2g muối trong khoảng 10 phút.
Bước 3: Đợi ấm và dùng khăn sạch mềm, nhúng phần nước khổ qua sau đó lau rửa nhẹ nhàng cho trẻ.
9. Giấm
Giấm giúp cân bằng PH trong trường hợp trẻ bị hăm tã ở mông và tiếp xúc với kiềm có trong nước tiểu. Mẹ bỉm có thể dùng giấm trị hăm tã bằng hai cách sau:
Cách 1: Ngâm tã vải của trẻ với nửa chén giấm pha cùng một xô nước
Cách 2: Pha một muỗng cà phê giấm trắng với nước, sau đó dùng khăn sạch mềm nhúng nước này lau nhẹ nhàng khi thay tã cho trẻ.
Lưu ý khi điều trị hăm tã ở trẻ sơ sinh
Hăm tã bản chất là dạng bệnh ngoài da phổ biến và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, mẹ cần chú ý những điều sau để tránh những triệu chứng diễn biến nghiêm trọng và viêm nhiễm nặng hơn.
- Không dùng phấn rôm bôi lên phần da bị hăm. Do phấn rôm làm bí tắc lỗ chân lông, khiến vùng da bị hăm có thể kích ứng thêm và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Khi tắm cho trẻ cần chú ý lựa chọn dung dịch sữa tắm chuyên dụng và dịu nhẹ. Tốt nhất là dạng dung dịch ít tạo bọt và không có mùi thơm để tránh kích ứng hoặc dị ứng với da của trẻ.
- Một số loại bỉm, khăn ướt có thành phần dị ứng. Ba mẹ hãy tham khảo các thương hiệu và cửa hàng uy tín khi mua sử dụng cho con.
- Tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng các loại kem trị nấm, kháng viêm. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cho bé.
Hăm tã ở trẻ thường đến từ kích ứng da và tác động vi khuẩn, do vậy cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa các tác nhân gây hăm tã ở trẻ. Ba mẹ hãy chú ý tới quá trình chăm sóc và vệ sinh cho con.
Thường xuyên thay tã cũng như vệ sinh tắm rửa cho con đúng cách. Lựa chọn các dòng tã phù hợp hơn nếu con có biểu hiện kích ứng với tã đang sử dụng. Bạn cũng có thể để trẻ thả rông một thời gian cho vùng mông và bẹn khô thoáng, không bị cọ sát với vùng da đang tổn thương.
Trên là những mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh mà ba mẹ hoàn toàn có thể thực hiện ở nhà giúp trẻ nhanh chóng loại bỏ các triệu chứng khó chịu trên da. Chúc cho các bé sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và phát triển khỏe mạnh, tạo động lực cho ba mẹ chăm con có thêm niềm vui và hạnh phúc.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.