Sữa mẹ đã rã đông không sử dụng hết có bỏ lại trong tủ lạnh được không?

Sữa mẹ đã rã đông không sử dụng hết có bỏ lại trong tủ lạnh được không?

Để có nguồn sữa mẹ duy trì linh hoạt khi hết thời gian nghỉ thai sản, nhiều bà mẹ sử dụng cách vắt sữa và trữ đông sữa trong tủ lạnh. Việc trữ đông sữa tạo điều kiện thuận lợi cho cả mẹ và bé, bé không cần bú trực tiếp mà vẫn có nguồn sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng.

Trong một số trường hợp, khi mẹ đã rã đông sữa, vì một số lý do trẻ không sử dụng hoặc lượng sữa rã đông nhiều hơn nhu cầu của bé. Câu hỏi nhiều mẹ bỉm đặt ra nếu sữa đã rã đông không sử dụng hết có bỏ lại trong tủ lạnh được không? Nếu tiết kiệm để lại sử dụng lần sau liệu có an toàn cho bé?

Ngay dưới đây, chuyên gia sẽ trả lời cho bạn, giúp bạn hiểu đúng cách rã đông sữa mẹ và lưu ý quan trọng khi sử dụng sữa đã rã đông.

Sữa sau khi đông lạnh cần rã đông như thế nào?

Tới thời điểm sử dụng, ba mẹ hoặc người chăm trẻ sẽ rã đông những bình/túi sữa được vắt và trữ ở tủ lạnh trước đó. Khi sữa đang ở nhiệt độ lạnh hoặc dạng thể đông rắn, làm thế nào để rã đông và an toàn cho bé bú sữa? Mẹ hãy thực hiện như sau:

cach-ra-dong-sua-me-nhanh-chong-va-an-toan-cho-be-3

Đối với sữa bảo quản ở ngăn đông

  • Bước 1: Sữa trữ đông ở nhiệt độ âm sẽ chuyển sang thể rắn, thời gian rã đông khá lâu. Do vậy, trước thời gian sử dụng 1 ngày, mẹ nên cho sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát của tủ để sữa từ từ chuyển về dạng lỏng nhưng vẫn được bảo quản lạnh. Ba mẹ cũng có thể rã đông bằng cách cho bình hoặc túi sữa vào chậu nước nhưng cần lưu ý phải là nước đá lạnh.
  • Bước 2: Khi sữa đã chuyển hoàn toàn về dạng thể lỏng, mẹ sẽ nhìn thấy một lớp váng sữa nổi trên mặt bình. Đây là phần chất béo cần thiết trong sữa mẹ, hãy lắc nhẹ nhàng bình sữa để chất béo hoàn tan với phần nước sữa.
  • Bước 3: Mẹ sử dụng thau nước ấm nóng hoặc máy hâm sữa chuyên dụng để hâm bình/ túi sữa. Nhiệt độ lý tưởng là dưới 40 độ và thời gian hâm sữa tối đa là 10 phút. Mẹ cần kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ hâm sữa vì nếu nhiệt độ quá cao có thể phá vỡ các kháng thể, chất dinh dưỡng của sữa.

Một lưu ý nhỏ khi quan sát phần lớp váng sữa khi sữa chuyển về thể lỏng. Khi mẹ lắc đều tay, lớp váng này sẽ hoà tan đều vào phần nước sữa. Tuy nhiên nếu mẹ thấy hiện tượng kết tủa trắng thì tức là sữa đã hỏng, không sử dụng được. Sữa hỏng sẽ gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa của bé.

Đối với sữa bảo quản ở ngăn mát

Mẹ lấy sữa trong ngăn mát tủ lạnh, ngâm nước ấm 40 độ cho đến khi sữa đạt nhiệt độ phù hợp với con. Cũng như đối với quy trình rã đông sữa ở ngăn đông, nhiệt độ nước ấm không quá 40 độ C, để đảm bảo các chất dinh dưỡng vẫn được lưu trữ trong sữa.

Sữa đã rã đông không sử dụng hết có bỏ lại trong tủ lạnh được không?

Sữa mẹ sau khi rã đông và hâm nóng nên cho bé sử dụng càng sớm càng tốt để đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Trường hợp bé không sử dụng hoặc sử dụng không hết, có nên bỏ lại tủ lạnh hay không tùy vào điều kiện bảo quản sữa như sau:

  • Sữa mẹ đã rã đông nhưng chưa hâm nóng:

Khi sữa mẹ được chuyển từ ngăn đông sang ngăn mát hoặc rã đông thể rắn trong nước đá lạnh, mẹ có thể bảo quản trong ngăn mát tối đa 24 giờ và không thể tái đông lần nữa. Quá thời gian này, mẹ cần bỏ những túi/ bình sữa quá hạn để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của con.

gia-dong-sua-me-dung-cach
  • Sữa mẹ đã rã đông và hâm nóng:

Sau khi rã đông và hâm nóng sữa, vì một số lý do bé không sử dụng, hoặc sử dụng không hết. Lúc này mẹ chỉ có thể bảo quản sữa tối đa 2 tiếng ở nhiệt độ phòng.

 Sau 2 tiếng, dù bé chưa sử dụng hay đã sử dụng, vẫn phải bỏ phần sữa này vì khả năng cao vi khuẩn đã xâm nhập vào sữa. Tuyệt đối không pha phần sữa dư với sữa mới vắt để trữ đông tiếp.

Một số lưu ý khi rã đông sữa mẹ

Rã đông sữa mẹ tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không đúng cách có thể làm mất dinh dưỡng trong sữa cũng như gây hại cho sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số lưu ý mẹ cần biết trong quá trình rã đông sữa.

tru-sua
  • Không rã đông sữa ở nhiệt độ phòng: Thời gian rã đông ở nhiệt độ phòng lâu hơn sẽ khiến các vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi làm hư sữa.
  • Không sử dụng lò vi sóng để rã đông, hâm nóng sữa: Nhiệt độ cao của lò vi sóng sẽ phá hủy các phân tử và kháng thể thiết yếu có trong sữa. Hơn nữa, nhiệt độ sữa cao không kiểm soát sẽ làm bỏng trẻ khi sử dụng
  • Tuyệt đối không làm thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc lắc mạnh bình sữa: Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc lắc mạnh bình sữa sau khi rã đông vô tình làm sữa biến chất, phá vỡ cấu trúc phân tử từ đó làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa. Mẹ chỉ nên lắc hoặc xoai nhẹ để lớp váng sữa hòa tan với phần nước sữa trước khi hâm nóng.
  • Không trữ đông lại sữa đã rã đông: Đối với sữa đã rã đông nếu sử dụng không hết hoặc không sử dụng tới, mẹ tuyệt đối không trữ đông lại phần sữa này. Với sữa sử dụng không hết, mẹ nên thay núm bình bé đã bú bằng núm khác vừa vặn. Điều này giúp thời gian sử dụng sữa có thể kéo dài thêm 2 tiếng ở nhiệt độ phòng
  • Không pha sữa rã đông với sữa mới vắt. Điều này có thể làm hư toàn bộ sữa cũ và sữa mới do sự chênh lệch nhiệt độ.
  • Không rã đông sữa nhiều hơn nhu cầu sử dụng của bé. Sữa sau khi rã đông và hâm nóng sử dụng càng sớm càng tốt. Phần dư thừa nếu quá 2 tiếng sẽ phải loại bỏ, do vậy mẹ rã đông vừa đủ với nhu cầu mỗi lần ăn của trẻ, vừa đảm bảo chất lượng của sữa, vừa tránh lãng phí.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về cách rã đông sữa mẹ và nhưng lưu ý về thời gian sử dụng sữa sau rã đông. Nắm bắt được cách rã đông và bảo quản sau rã đông sữa mẹ đúng cách sẽ giúp con có nguồn sữa đầy đủ dinh dưỡng. Hi vọng rằng với cẩm nang trên, ba mẹ có thể áp dụng để quá trình chăm con thuận lợi, bé ham ăn chóng lớn.

Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ

John Doe

Hue Nguyen

Đăng ký bản tên của chúng tôi