Tắm nắng cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết về cách làm và thời điểm

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết về cách làm và thời điểm

Trong những chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh, các bác sĩ thường đề cập tới vấn đề tắm nắng cho trẻ để chống bệnh còi xương. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ khi mới có con thường băn khoăn cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh như thế nào mới tốt nhất.

Ngay sau đây, hãy cùng chúng tôi phân tích lợi ích cũng như phương pháp tắm nắng cho trẻ an toàn, đúng thời điểm mà hiệu quả cao.

Lợi ích của việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Nói về lợi ích đầu tiên của việc tắm nắng chính là khả năng tổng hợp vitamin D cho cơ thể trẻ. Đây là loại vitamin rất cần thiết giúp trẻ hấp thụ canxi, phát triển xương và quá trình tăng trưởng. Vitamin D cũng giúp điều trị bệnh giảm phosphat máu và bệnh thiểu năng tuyến cận giáp.

Nếu ba mẹ thực hiện tắm nắng cho trẻ thường xuyên đúng cách, có thể ngăn ngừa được bệnh còi xương, chứng vàng da cũng được cải thiện sớm sau sinh.

Bên cạnh đó, ánh nắng mặt trời còn giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch, kháng khuẩn, hạn chế hoặc cải thiện tình trạng hăm tã.

Ngoài ra tắm nắng còn mang lại lợi ích hỗ trợ quá trình trao đổi chất, điều hòa hệ thần kinh giúp trẻ thư dãn. Đồng thời kích thích tạo hồng cầu và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho bé.

tam-nang-cho-tre-so-sinh-1-1

Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng thời điểm

Tắm nắng không đúng thời điểm sẽ khiến da bé chịu tác động quang học không tốt của các tia cực tím, nhất là đối với da của trẻ dưới 6 tháng tuổi còn quá mỏng manh dễ bị tổn thương.

Trẻ sơ sinh khi lần đầu tiên tắm nắng, ba mẹ cho con mặc quần áo hở chân, che phần mặt và mắt, tắm nắng mặt trước cơ thể và phần sau cơ thể trong 10 phút vào ngày thứ nhất. Các ngày tiếp theo cho bé mặc áo hở phần bụng và đùi, tăng thời gian tắm nắng thêm 5 phút/ngày. Mẹ lưu ý thời gian tắm nắng không được quá 30 phút/ngày.

Buổi sáng là thời điểm lý tưởng để cho bé tắm nắng. Trong thời điểm này tia hồng ngoại và tia cực tím của mặt trời khá yếu, cơ thể bé có thể hấp thụ vitamin D và trao đổi chất tốt hơn.

Tuy nhiên ở nước ta có 4 mùa, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ba mẹ nên chú ý thời gian từng mùa như sau:

  • Mùa hè: Mẹ nên cho con tắm nắng tầm khung giờ 6 giờ tới 7 giờ sáng khi ánh nắng còn đang dịu nhẹ
  • Mùa thu: Thời gian có thể thực hiện giống mùa hè hoặc muộn hơn chút nhưng cần trước 9 giờ sáng tùy vào lượng ánh nắng mỗi khu vực.
  • Mùa đông và mùa xuân: Thời điểm này thường xảy ra mưa phùn hoặc gió lạnh, ba mẹ cần chờ thời tiết ấm mới tắm nắng cho trẻ.

Tắm nắng cho trẻ vào buổi chiều: Nếu không có thời gian vào buổi sáng, ba mẹ cũng có thể chọn khung giờ 16 giờ đến 17 giờ chiều khi ánh nắng đã yếu và dịu hơn để tắm nắng cho trẻ.

tam-nang-cho-tre-so-sinh-2

Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ để đảm bảo an toàn

  • Trong thời gian tắm nắng cho trẻ, để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả tốt nhất, ba mẹ cần tuân thủ những lưu ý dưới đây:
  • Trẻ có thể tắm nắng sau 7-10 ngày tuổi. Tuy nhiên với một số trẻ dưới 6 tháng có làn da nhạy cảm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước có nên tắm nắng trực tiếp cho bé hay bổ sung vitamin D thông qua đường uống.
  • Không cởi bỏ hết quần áo của bé khi tắm nắng. Mắt và bộ phận sinh dục của trẻ cần được che tránh tiếp xúc với tia UV
  • Ngoài thời gian và thời điểm tắm nắng đã nêu trên, tuyệt đối không cho bé tắm nắng khung giờ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều vì đây là lúc tia cực tím hoạt động mạnh nhất.
  • Trong thời gian tắm nắng, nếu bé thấy thoải mái, mẹ có thể massage nhẹ nhàng hoặc cho con bú.
  • Thời gian đầu không tắm nắng cho trẻ quá lâu, bé cần có một vài ngày để làm quen. Nên tập dần dần để bé thích nghi không cảm thấy khó chịu
  • Trẻ có làn da đậm màu có thể cho bé tắm nắng lâu hơn so với trẻ sáng da
  • Sau khi tắm nắng xong, cơ thể trao đổi chất và tiết nhiều mồ hôi, ba mẹ hãy bổ sung nước hoặc cho bé bú sữa.
  • Chỉ nên tắm nắng trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tránh thời điểm giao mùa.
  • Thời tiết của mỗi vùng miền và khu vực là khác nhau. Do vậy hãy chú ý thời điều kiện ánh sáng, tránh nơi gió quá lớn hoặc nơi ô nhiễm không khí. Cần chọn khu vực thoáng đãng, sạch sẽ và nhiệt độ vừa phải.
  • Trường hợp bé cảm thấy khó chịu, có các biểu hiện lạ như da mẩn đỏ, kích ứng cần dừng ngay việc tắm nắng và đưa trẻ tới gặp bác sĩ.

Tắm nắng tuy là cách tự nhiên để tổng hợp vitamin D, tuy nhiên ba mẹ vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung thêm vitamin D qua thực phẩm và thức uống.

Đối với trẻ thiếu vitamin D, không tự ý mua các thực phẩm chức năng bừa bãi vì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ.

Trên là một số chia sẻ cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh và những lưu ý cha mẹ nên biết. Hi vọng thông tin sẽ hữu ích cho ba mẹ thực hiện chăm sóc trẻ đúng cách, giúp con khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ

John Doe

Hue Nguyen

Đăng ký bản tên của chúng tôi