Vệ sinh rốn tại cho trẻ sơ sinh tại nhà thế nào để đảm bảo an toàn luôn là điều các ba mẹ bỉm sữa quan tâm hàng đầu. Mặc dù rốn là bộ phận nhỏ nhưng nếu không được vệ sinh đúng cách sẽ dẫn tới nhiễm trùng hoặc thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, giai đoạn rụng rốn ở trẻ là giai đoạn nhạy cảm, trong quá trình vệ sinh cha mẹ bé phải chú ý tới những dấu hiệu bất thường ở rốn có thể là cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm.
Quá trình rụng cuống rốn thường diễn ra từ 1-2 tuần sau sinh, điều quan trọng mà mẹ bỉm cần chú ý là giữ cho cuống rốn và vùng da xung quanh được sạch sẽ, khô ráo. Nếu ba mẹ còn đang băn khoăn cách vệ sinh rốn cho trẻ tại nhà như thế nào để đúng quy trình, hãy tham khảo một số thông tin cần thiết dưới đây.
Tầm quan trọng của việc vệ sinh rốn sau sinh mẹ bỉm cần biết
Khi đang mang thai, dây rốn có độ dài khoảng 20cm đến 60cm có nhiệm vụ vận chuyển oxy và chất dinh dương giúp thai nhi phát triển. Sau khi chào đời, em bé hoàn toàn có thể tự thở, bú và đại tiểu tiện, lúc này bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ dây rốn.
Theo tổ chức y tế thế giới, trẻ sơ sinh có thể được hưởng lợi về mặt dinh dưỡng nếu cắt dây rốn chậm. Dù là sinh mổ hay sinh tự nhiên việc cắt dây rốn chậm giúp dự trữ máu và sắt, giảm nguy cơ thiếu máu cho trẻ.Khi cắt dây rốn, các bác sĩ sẽ không cắt toàn bộ dây rốn mà để lại 4-5cm gọi là cuống rốn. Đây là vết thường hở, vì vậy cuống rốn khi cắt sẽ được kẹp lại và cần chăm sóc cẩn thận. Trong thời gian cuống rốn khô và rụng, ba mẹ cần đảm bảo cuốn rốn sạch và khô, không tự ý kéo ra, để cuống rốn rụng tự nhiên.
Trẻ mới sinh khả năng đề kháng còn yếu, nếu rốn không được chăm sóc đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng. Các vi khuẩn dễ tấn công thông cuống rốn để đi vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Việc trang bị kiến thức đầy đủ và hiểu rõ tầm quan trong cách vệ sinh dây rốn cho trẻ sơ sinh khi thực hiện tại nhà là vô cùng cần thiết.
Ba mẹ cần chuẩn bị những gì khi vệ sinh dây rốn cho bé?
Thông thường việc vệ sinh dây rốn sẽ được các y tá, hộ sinh thực hiện trong khoảng 2-5 ngày sau sinh trong thời gian mẹ và bé được chăm sóc tại bệnh viện. Sau thời gian này ba mẹ và người thân sẽ tự thực hiện chăm sóc và vệ sinh cuống rốn cho trẻ tại nhà hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để tiến hành đúng cách đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trước hết mẹ bỉm cần chuẩn bị cồn y tế 70 độ mua tại các cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín. Tuyệt đối không dùng cồn 90 độ hay povidine vì khả năng sát trùng quá mạnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và gây khó chịu cho trẻ.
Bên cạnh đó, gạc và băng rốn sơ sinh, nước muối sinh lý 0.9% cần được chuẩn bị để bé được vệ sinh cuống rốn một cách tốt nhất. Hãy luôn đảm bảo rằng, các dung dịch, dụng cụ vệ sinh rốn cho trẻ đúng chất lượng và được bộ y tế xác nhận an toàn. Nếu dùng sai hoặc không đúng chất lượng, bạn sẽ vô tình đang làm hại con trẻ.
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh tại nhà đúng quy trình và an toàn
Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn trước khi cuốn rốn rụng và sau khi cuốn rốn rụng. Việc chăm sóc và vệ sinh cả hai giai đoạn đều phải thực hiện đầy đủ và đúng cách. Ba mẹ hãy tham khảo cách vệ sinh rốn cho bé trong từng giai đoạn như sau:
Các bước vệ sinh rốn cho trẻ trước khi cuống rốn rụng
Bước 1: Trước khi vệ sinh cuốn rốn cho bé, mẹ bỉm hoặc người thân cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay. Mẹ có thể rửa thêm lần 2 bằng cồn 70 để sát khuẩn tốt hơn, đảm bảo vi khuẩn sẽ không lan từ tay qua cuống rốn trẻ nhỏ.
Bước 2: Kiểm tra các dụng cụ vệ sinh cuốn rốn cho trẻ đã chuẩn bị trước đó bao gồm: Cồn 70 độ, bông vô trùng và gạc vô trùng; Nước muối sinh lý 0.9%.
Bước 3: Bắt đầu quan sát và kiểm tra cuốn rốn của trẻ xem liệu có các dấu hiệu bất thường như cuống rốn mềm, có hiện tượng chảy mủ, vùng da xung quanh bất thường hoặc sưng tấy,… Ngoài ra nếu cuống rốn của trẻ có mùi khó chịu cần tham khảo ngay ý kiến bác sĩ để đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra.
Bước 4: Qua bước kiểm tra thấy không có dấu hiệu lạ, lúc này mẹ bỉm hoàn toàn có thể yên tâm bắt đầu vệ sinh cho bé. Sử dụng bông vô trùng thấm nước muối sinh lý để bắt đầu vệ sinh cho bé, cách này vừa an toàn lại hiệu quả cao.
Bước 5: Bắt đầu từ chân rốn, mẹ sử dụng miếng bông đầu tiên vệ sinh từ dưới rốn lên hết cuống rốn. Sử dụng miếng bông thứ hai dùng lau quanh rốn, nơi tiếp xúc cuống rốn với da bụng. Tiếp đến là sử dụng các miếng bông khác để lau vùng da xung quanh.
Bước 6: Sau khi lau xong, hãy để cho cuốn rốn của bé khô tự nhiên, không nên băng kín. Sử dụng quần áo có nút cài một bên để tránh cọ sát với cuống rốn của bé. Khi sử dụng tã, mẹ bé hãy gấp mép tã xuống dưới rốn để tránh làm tổn thương và ngăn chặn nước tiểu tràn ngược lên rốn.
Các bước vệ sinh rốn cho trẻ sau khi cuống rốn đã rụng
Sau khoảng 1-2 tuần, cuống rốn sẽ rụng và để lại một mảng da khô, màu đỏ ở chân rốn. Một số trường hợp có lượng máu nhỏ chảy ra từ vị trí rụng, điều này hoàn toàn bình thường nên mẹ có thể yên tâm. Nhưng nếu tình trạng máu chảy diễn ra trên 2 tuần, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn sức khỏe của bé.
Trong giai đoạn đầu mới rụng, cách mạch máu của cuống rốn vẫn có thể là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập. Mẹ bé hãy tham khảo cách vệ sinh rốn trong giai đoạn này theo các bước dưới đây:
Bước 1: Tương tự như giai đoạn cuống rốn chưa rụng, đầu tiên cha mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn và kiểm tra đầy đủ dụng cụ vệ sinh rốn cho trẻ đã chuẩn bị trước đó.
Bước 2: Sau khi tắm xong cho bé, dùng bông vô trùng để lau khô vùng rốn. Việc vệ sinh nên được thực hiện hằng ngày sau bước tắm hoặc sau khi trẻ đi vệ sinh có vết bẩn trên rốn.
Bước 3: Sử dụng bông vô trùng tẩm dung dịch cồn 70 độ hoặc mẹ cũng có thể tiếp tục dùng nước muối sinh lý lau sạch rốn và vùng da quanh rốn. Cách lau cần chú ý nhẹ nhàng, lau theo một chiều, tránh lau đi lau lại làm nhiễm trùng rốn của trẻ.
Bước 4: Sau khi lau xong, ba mẹ có thể để hở hoặc che rốn bằng băng gạc mỏng, tránh để rốn ẩm ướt hoặc tiếp xúc lâu với nước. Không băng rốn quá chặt hay dày nhiều lớp vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công
Bước 5: Sử dụng quần áo rộng rãi, không ôm sát để rốn không bị trầy xước và nhanh hồi phục. Khi thay tã, hãy chú ý không để tã chà xát gây tổn thương cho rốn của trẻ. Cha mẹ nên mặc tã dưới rốn, nới lỏng eo, không để nước tiểu hoặc phân dính vào rốn gây nhiễm trùng.
Bước 6: Tuyệt đối không sử dụng các dung dịch lạ, thuốc đỏ, lá thuốc dân gian, bột phấn rôm hay bất kì loại thuốc nào bôi vào rốn trẻ sơ sinh mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Khi nào cần đưa trẻ nhỏ đi khám rốn
Việc vệ sinh rốn tại nhà nếu không đúng cách, sẽ gây nhiễm trùng hoặc nguy hiểm cho bé. Khi gặp các dấu hiệu dưới đây, hay đưa bé đi khám trực tiếp tại các cơ sở bệnh viện uy tín.
- Chảy máu vùng rốn trên 2 tuần
- Xuất hiện các chồi thịt, u hạt ở rốn
- Vùng da quanh rốn sưng tấy, ửng đỏ
- Rốn bị rỉ nước, dịch mủ và có mùi hôi
- Khi chạm vào rốn, bé có dấu hiện khó chịu và khóc
- Rốn chưa rụng sau 3 tuần.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn và hiệu quả mà cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng và yên tâm chăm sóc cho bé. Các chuyên gia nhận định việc vệ sinh rốn cho trẻ sau sinh đúng cách chính là lá chắn đầu tiên cho trẻ trước sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.
Trong quá trình vệ sinh nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng rốn, gia đình cần đưa trẻ đi khám trực tiếp lại các cơ sở uy tín có bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị. Một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu nhập viện hoặc kê thuốc cho trẻ sử dụng tại nhà. Việc chăm sóc con khoa học và theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ là tiền đề cho con có sức khỏe toàn diện đồng thời giúp cho hành trình của ba mẹ và bé được trọn vẹn và hạnh phúc.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.