Mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh rất đa dang, bao gồm các phương pháp dân gian và hiện đại. Trẻ sơ sinh bị rôm sảy cần được điều trị sớm để tránh các biến chứng không đáng có
Rôm sảy là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh có biểu hiện da mẩn đỏ, xuất hiện mụn nước li ti mọc thành vùng gây ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ. Cao điểm nhất là vào mùa nắng nóng, tuyến mồ hôi hoạt động nhiều bị tắc nghẽn, rôm sảy sẽ xuất hiện nhiều hoặc tái phát lại.
Đây là dạng bệnh khá lành tính và có thể tự lặn khi thời tiết mát mẻ hơn. Tuy nhiên rôm sảy gây không ít phiền phức cho trẻ và ba mẹ, thậm chí có trường hợp nặng khiến da bé bị nhiễm trùng. Hãy tham khảo ngay một số mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh vừa an toàn lại hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là gì?
Rôm sảy là bệnh lý ngoài da gây triệu chứng da nổi nốt mẩn đỏ, có kích thước như đầu kim, hình tròn, có thể có nước, mọc thành vùng tấm tấm. Đặc biệt khi thời tiết nóng, độ ẩm cao, các mao mạch trên da dãn nở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ gây ra bệnh rôm sảy.
Rôm sảy thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, do da bé còn mỏng, cấu trúc lỏng lẻo, ống tuyến mồ hôi chưa phát triển rất dễ bị bí tắc. Vị trí rôm sảy chủ yếu ở các vùng da đầu, trán, cổ, vai, ngực, lưng và có thể ở kẽ nách, háng.
Chỗ rôm mọc có sắc đỏ, những nốt mẩn sẽ gây ngứa, nóng rát, khiến trẻ khỏ chịu, quấy khóc. Trường hợp nếu trẻ bị rôm sảy liên tục hoặc trẻ gãi ngứa làm trầy xước da, rất dễ khiến da bị viêm nhiễm.
Nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh như:
- Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ẩm cao gây tình trạng tắc nghẽn tuyến mồ hôi. Hoặc cũng có thể do trẻ bị sốt, vận động tiết mồ hôi nhiều cũng làm tắc tuyến mồ hôi gây rôm sảy.
- Do cách vệ sinh cơ thể trẻ không sạch sẽ hoặc mặc quần áo quá chật, vải của quần áo cọ sát với cơ thể con. Cũng có trường hợp do ba mẹ ủ ấm bé quá kỹ sợ con bị lạnh, đội mũ cho con trong thời gian dài, khiến tuyến mồ hôi trên đầu và cơ thể không thoát được nhiệt.
- Do môi trường sống có nhiều tác nhân vi khuẩn gây rôm sảy.
Các dạng rôm sảy thường gặp
Để trị rôm sảy đúng cách cho bé, mẹ cần phân biệt ba dạng rôm sảy dưới đây:
- Rôm sảy dạng tinh thể: Đây là dạng rôm sảy nhẹ, không viêm, các mụn nước mọc nông ở lớp sừng. Loại rôm này thường gặp ở trẻ 1 tuổi, đặc trưng bởi các mụn nước hoặc bóng nước dễ vỡ, không để lại sẹo.
- Rôm sảy đỏ (rôm sảy gai): Là các sẩn màu đỏ mọc thành đám dày, có thể mọc trải rộng diện tích lưng. Rôm sảy đỏ gây ngứa ngáy, bứt rứt và khó chịu cho trẻ. Xảy ra nhiều hơn vào mùa nóng ẩm, và có thể gây bội nhiễm nếu tình trạng nặng.
- Rôm sảy sâu: Xảy ra khi tuyến mồ hôi gặp vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng, hoặc sau khi rôm đỏ kéo dài. Biểu hiện là các nốt mẩn đỏ 1-3mm, màu nhạt, cứng ở thân mình. Bé có thể không cảm thấy ngứa như rôm sảy đỏ tuy nhiên loại rôm sảy này lại có nguy cơ cao là biểu hiện của nhiễm trùng sâu.
Mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Xét về bản chất, rôm sảy hình thành khi vào mùa nóng nắng, khi thời tiết mát mẻ thì rôm sảy sẽ tự động hết. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh sẽ tiếp tục phát lại vào thời điểm nắng nóng tiếp theo. Do vậy nếu không có biện pháp chữa trị thì bệnh dễ tái đi tái lại và lần sau có thể nghiêm trọng hơn. Ngoài ra khi trẻ ngứa ngáy khó chịu, thường quấy khóc, lấy tay gãy vào vùng da mẩn đỏ dễ gây vỡ mụn và nhiễm trùng.
Để hạn chế và đẩy lùi triệu chứng của bệnh cũng như ngăn chặn bệnh rôm sảy tái phát ở bé, ba mẹ hãy thực hiện một số mẹo chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh sau:
Mẹo trị rôm sảy cho trẻ bằng phương pháp dân gian
- Dùng lá tía tô trị rôm sảy: Lá tía tô đem rửa sạch và giã nhuyễn để lấy cốt nước. Mẹ sử dụng cốt này chấm lên khu vực da bị rôm sảy của bé vài lần trong ngày. Sau khoảng 15 phút sử dụng khăn ẩm lau nhẹ nhàng hoặc tắm sạch cho bé.
- Sử dụng lá trà xanh: Lá trà xanh sử dụng loại lá tươi đã được rửa sạch. Mẹ cho vào nấu cùng với nước sau đó dùng nước này pha với nước tắm của bé. Lá trà xanh có tác dụng kháng khuẩn tốt và làm dịu da cho bé.
- Sử dụng mướp đắng: Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua, đem xay nhuyễn khoảng 1 quả. Pha vào một ít nước sau đó mẹ đem lọc qua rây hoặc khăn sạch để lấy cốt mướp đắng. Dùng nước cốt này pha với nước và tắm cho bé.
- Lá kinh giới: Mẹ sử dụng một nắm và cho vào nồi nước sôi. Dùng nước này pha với nước tắm sao cho có nhiệt độ nước phù hợp để tắm cho trẻ.
- Lá dâu tằm: Tương tự như lá kinh giới, mẹ cũng rửa sạch đem đun với nước sôi rồi pha với nước lạnh hoặc đun với nhiều nước để nguội và tắm cho bé.
- Lá khế: Chỉ lấy phần lá, mẹ rửa sạch sau đó đun cùng với nước và một ít muối trắng. Sau khoảng 5 phút, bỏ phần bã, lấy phần nước lá pha cùng với nước lạnh để tắm cho con.
- Ngải cứu: Dùng phần lá đã lược bỏ các lá sâu, phần dư, rửa sạch và cắt nhỏ cho vào nồi nước sôi đun trong 5 phút. Dùng nước này pha với nước lạnh, có thể pha thêm chút xíu muối trắng để trẻ tắm.
- Rau sam: Giã rau sam rồi chắt lấy phần nước cốt. Dùng nước này bôi lên phần da bị rôm sảy hằng ngày tới khi hết rôm thì ngưng.
Một số phương pháp khác điều trị rôm sảy
Ngoài những mẹo dân gian trên, mẹ có thể trị rôm sảy cho bé bằng một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn. Thuốc sẽ giúp kháng khuẩn, giảm viêm và bớt tình trạng ngứa cho trẻ.
- Sử dụng kem bôi trị rôm sảy.
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ chuyên dụng cho bé bị rôm sảy
- Sử dụng dung dịch calamine thấm bông y tế lau vào vùng da bị rôm sảy và để khô. Tránh bôi tại vùng niêm mạc mắt, miệng, cơ quan sinh dụng. Dung dịch này có tác dụng giảm ngứa, đau và khó chịu ở da cho bé
- Thuốc anhydrous lanolin có thể giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng tiến triển sang thương mới. Thường được dụng trong trường hợp trẻ bị dạng rôm sảy nặng.
- Vitamin C cũng có thể được kê cho bé để giảm tổn thương do rôm sảy gây ra.
Những lưu ý khi trị rôm sảy cho bé
Điều trị rôm sảy đúng cách sẽ giúp trẻ hạn chế được triệu chứng của bệnh, giúp trẻ dễ chịu hơn đồng thời ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra điều quan trọng nhất là cần ngăn chặn khả năng tái phát cũng như nguyên nhân gây ra rôm sảy cho trẻ.
Để quá trình điều trị hiệu quả và an toàn, ba mẹ cần chú ý những điều dưới đây:
- Nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nhiều vì trong sữa mẹ có nhiều thành phần vitamin, dưỡng chất và kháng thể tốt tạo ra hệ miễn dịch tốt cho trẻ. Trẻ cũng nên uống nhiều nước bù lại lượng nước đã mất khi thải nhiệt và hỗ trợ thải nhiệt tốt hơn.
- Với trẻ đã ăn cháo, bổ sung vào bữa ăn cho trẻ các thực phẩm rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin tự nhiên để tăng cường sức đề kháng cho bé.
- Quần áo của trẻ nên giặt riêng và sử dụng loại nước giặt chuyên dụng để tránh khả năng dị ứng với chất tẩy mạnh. Ba mẹ chú ý phơi quần áo bé nơi sạch sẽ, tránh khói bụi, tốt nhất là có ánh nắng mặt trời để tia UV diệt khuẩn trên quần áo.
- Thường xuyên cắt tỉa móng tay móng chân để tránh khi trẻ gãi ngữa làm trầy xước da gây nhiễm khuẩn.
- Tuyệt đối không bôi phấn rôm lên vùng da rôm sảy. Việc này sẽ làm tình trạng bí tắc lỗ chân lông, tuyến mồ hôi trầm trọng hơn có thể gây viêm, nhiễm khuẩn.
- Khi tắm cho trẻ, sử dụng nhiệt độ nước vừa phải, nước mát để làm dịu vết rôm trên da trẻ. Ba mẹ chọn dòng sữa tắm chuyên dụng cho em bé và dịu nhẹ, không có tính sát khuẩn cao vì có thể gây khô da.
- Hạn chế để con hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng. Thời điểm 10h-16h có nhiều tia UV sẽ gây hại cho da con. Trường hợp con ở ngoài nhiệt độ cao có thể gây sốt và bị rôm sảy.
- Khi điều trị rôm sảy cho con bằng thuốc uống và thuốc bôi cần có sự chỉ định từ bác sĩ. Không tự ý mua các loại kem bôi lên da trẻ vì có khả năng làm kích ứng, dị ứng hoặc khiến lỗ chân lông bí tắc thêm.
- Một số trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường như: Rôm sảy kéo dài gây tổn thương nặng trên da; Trẻ khó chịu bị sưng, đau, tấy đỏ; Vùng da tổn thương có mủ, sưng hạch bạch huyết (cổ, bẹn, nách); Trẻ bị sốt kèm ớn lạnh không rõ nguyên nhân. Lúc này ba mẹ nên đưa con tới bệnh viện kiểm tra để điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.
Trên là một số mẹo chữa rôm sảy ở trẻ sơ sinh và những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị cho bé. Hi vọng sẽ giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm xử lý cũng như phòng tránh rôm sảy cho con hiệu quả. Nếu bạn đọc có bất cứ câu hỏi hoặc yêu cầu nào cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi, hoặc tham khảo tại website Babiemomcare.com để cập nhập thêm nhiều kiến thức chăm con hữu ích.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Những dấu hiệu đòi bú của trẻ sơ sinh, mẹ cần đặc biệt lưu ý 20/01/2021 17:16
- Trong một cữ bú thành phần sữa mẹ thay đổi như thế nào? 20/01/2021 17:16
- Các cách duy trì nguồn sữa trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bạn đã biết chưa? 20/01/2021 17:16
- Có bao nhiêu loại sữa mẹ? Vai trò của chúng đối với trẻ sơ sinh là gì? 20/01/2021 17:16