Sữa mẹ để trong ngăn mát được bao lâu?
Sữa mẹ sau khi vắt có thể bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh hoặc trữ đông ở thể rắn. Hầu hết các bà mẹ thường chọn bảo quản tại ngăn mát nhiều hơn một phần vì tiện lợi cho bé sử dụng, một phần lo lắng sữa bảo quan lâu sẽ mất chất dinh dưỡng.
Sữa mẹ sau khi vắt có thể bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh hoặc trữ đông ở thể rắn. Hầu hết các bà mẹ thường chọn bảo quản tại ngăn mát nhiều hơn một phần vì tiện lợi cho bé sử dụng, một phần lo lắng sữa bảo quan lâu sẽ mất chất dinh dưỡng.
Gần đây, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các ba mẹ: Nếu bảo quản đúng cách thì sữa mẹ để trong ngăn mát được bao lâu? Nhằm tư vấn cho ba mẹ kỹ hơn về thời gian cũng như lưu ý khi bảo quản lạnh sữa mẹ, chúng tôi sẽ trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Sữa mẹ để tủ lạnh có mất chất không?
Sữa mẹ bảo quản lạnh sẽ không làm mất chất dinh dưỡng ban đầu nếu bạn biết bảo quản đúng cách. Trong thời gian bảo quản cho phép, nếu mẹ bỉm lưu trữ và sử dụng sữa đúng hướng dẫn, sữa lưu trữ sẽ vẫn giữ được nguyên vẹn và con hoàn toàn có thể bú bình thường.
Không chỉ là quy trình, thời gian và cách sử dụng, mẹ bỉm cũng cần chú ý đến dụng cụ lưu trữ sữa. Để sữa được bảo quản trọn vẹn nhất, mẹ hãy chọn các dụng cụ chất lượng có nguồn gốc rõ ràng và không chứa các hóa chất gây độc hại.
Trường hợp sữa bảo quản lạnh không đúng cách, sữa sẽ có nguy cơ bị hư, các vi khuẩn xâm nhập làm mất giá trị của sữa. Lúc này không cho bé sử dụng và cần bỏ bình/túi sữa đã hư.
Sữa mẹ để trong ngăn mát được bao lâu?
Khi mẹ vắt sữa và sử dụng các túi/bình đặt vào ngăn mát tủ lạnh, mẹ hãy lưu ý tới thời gian hạn sử dụng. Quá thời gian bảo quản cho phép, các vi khuẩn sẽ tấn công và phá hủy cấu trúc của sữa. Nếu vẫn để con sử dụng sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và sức khỏe của con.
Thời gian bảo quản sữa trong ngăn mát phụ thuộc chính vào nhiệt độ của tủ mà bạn đang sử dụng. Nếu mẹ cài chế độ nhiệt càng cao, thì thời gian bảo quản sữa càng ngắn. Ngược lại nhiệt độ thấp sẽ kéo dài thời gian sử dụng của sữa.
Với ngăn mát của tủ lạnh 2 cánh thông thường thời gian bảo quản ở ngăn mát tối đa là 48 giờ (nhiệt độ ngăn mát tầm 4 độ C). Tuy nhiên để sữa có chất lượng dinh dưỡng nhất thì bạn nên cho bé sử dụng càng sớm càng tốt.
Nếu bạn cần bảo quản lâu hơn thời gian trên, bạn có thể trữ đông sữa trên ngăn đá riêng (tủ lạnh 2 cánh), thời gian bảo quản sẽ tăng lên 3 tháng. Hoặc nếu sử dụng tủ đông chuyên biệt (nhiệt độ âm 18 độ C) sữa mẹ có thể bảo quản lên tới 6 tháng.
Tùy vào nhu cầu sử dụng và kế hoạch chăm sóc con, bạn có thể sử dụng các phương pháp bảo quản sữa phù hợp nhưng cần tuân theo thời gian đã chỉ định.
Cách sử dụng sữa mẹ bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh
Để cho bé sử dụng sữa đã bảo quản trong ngăn mát, mẹ có thể thực hiện theo 3 bước:
- Bước 1: Lấy bình/túi sữa từ ngăn mát của tủ. Mẹ cần chú ý thời gian, ngày vắt sữa đã ghi trên túi để kiểm tra sữa đã hết hạn hay chưa.
- Bước 2: Sử dụng 1 thau nước ấm có nhiệt độ tầm 40 độ C. Nhiệt độ này rất quan trọng vì nếu nước quá nóng sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng và vitamin có trong sữa. Thời gian ngâm khoảng 8-10 phút để sữa đạt nhiệt độ phù hợp cho con sử dụng. Nếu mẹ có máy hâm sữa chuyên dụng có thể điều chỉnh nhiệt độ 40 độ C và hâm trong thời gian quy định.
- Bước 3: Sữa sau khi hâm nóng cần cho con sử dụng trong vòng 1 giờ. Sau 1 giờ nếu bé không dùng hết thì bỏ phần sữa này đi.
Những lưu ý khi bảo quản sữa mẹ ở ngăn mát của tủ lạnh
Để bảo quản lạnh sữa mẹ đúng chuẩn và khoa học, mẹ cần lưu ý những việc sau:
- Không để sữa ở ngăn cánh tủ lạnh: Vị trí cánh tủ là nơi bạn thường xuyên mở ra vào để lấy các thực phẩm khác, do vậy phần cánh tủ thường dễ bị mất nhiệt độ. Nếu để sữa ở vị trí này rất dễ nhanh hư, hãy để tại vị trí hộc trên cùng của ngăn mát để duy trì nhiệt độ lạnh đều đặn cho sữa.
- Không đổ sữa đầy bình hoặc túi: Khi đổ sữa vào các dụng cụ lưu trữ, mẹ cần lưu ý để cách miệng bình hoặc túi 1 khoảng. Tránh việc khi lấy sử dụng hoặc mở nắp, sữa bị trào ra ngoài. Điều này cũng hữu ích nếu bạn muốn trữ đông sữa, khoảng cách với miệng bình/túi giúp sữa dãn nở khi chuyển qua thể rắn.
- Không dồn tất cả sữa đã vắt vào 1 bình hoặc 1 túi: Bạn nên chia nhỏ theo bữa ăn của trẻ ở từng độ tuổi. Khi sử dụng sẽ lấy từng bình hoặc túi sữa theo dung tích đã chia, đủ cho bé sử dụng để tránh lãng phí sữa dư thừa.
- Ghi chú thông tin trên dụng cụ lưu trữ: Sữa mẹ sau khi mới vắt nên ghi chú các thông tin ngày giờ vắt trước khi bảo quản lạnh. Mẹ cho bé sử dụng theo trình tự đã ghi và loại bỏ những sữa đã quá hạn.
- Không đổ chung sữa dư thừa với sữa mới vắt: Trường hợp sữa bảo quản sau khi sử dụng còn dư, tuyệt đối không đổ chung với sữa đã vắt vì có thể khiến sữa bị hư, không đảm bảo chất lượng.
Như vậy, với những thông tin ở trên, ba mẹ đã hiểu rõ hơn về thời gian sữa mẹ để trong ngăn mát được bao lâu. Hãy tuân thủ theo đúng thời gian quy định để chắc chắn rằng nguồn sữa cung cấp cho con là sữa dinh dưỡng và đủ chất nhất. Và mẹ đừng quên những lưu ý khi bảo quản sữa trong ngăn mát nhé. Vắt sữa và bảo quản khoa học chính là cách mẹ giúp con phát triển khỏe mạnh.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả 20/01/2021 17:16
- Sữa mẹ đã rã đông không sử dụng hết có bỏ lại trong tủ lạnh được không? 20/01/2021 17:16
- Nên trữ đông sữa mẹ trong bao lâu? 20/01/2021 17:16
- Sữa mẹ và sữa công thức khác nhau như thế nào 20/01/2021 17:16