Viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu ở trẻ sơ sinh: Mẹo chữa trị hiệu quả
Viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu thường khá phổ biến ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ từ một đến ba tuổi và không gây hại tới sức khỏe, tuy nhiên sẽ gây mất thẩm mỹ.
Cứt trâu ở da đầu hay viêm da tiết bã thường khá phổ biến ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ từ một đến ba tuổi. Tình trạng này không xuất phát từ bệnh lý nên vô hại và không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên để cải thiện nhanh chóng giúp da đầu của bé sạch sẽ hơn, ba mẹ hãy tham khảo một số mẹo trị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu cho trẻ sơ sinh dưới đây.
Viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu ở trẻ sơ sinh là gì?
“Cứt trâu” là cách gọi khác của tình trạng da đầu trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã làm xuất hiện những mảng da có vảy dày loang lổ. Những mảng vảy này thường có màu trắng, vàng hoặc sẫm hơn màu da đầu, thường là phụ thuộc vào màu da của trẻ.
Cứt trâu có thể tập trung thành một vùng hoặc rải rác trên toàn bộ da dầu, hoặc cũng có thể đóng vảy ở vị trí sau tai và lông mày của bé. Các vùng đóng vảy bám gây bết tóc và da đầu, làm mất thẩm mỹ, nếu nhìn trực diện sẽ cảm thấy không được sạch sẽ.
Cứt trâu ở trẻ sơ sinh sẽ tự bong ra sau một thời gian nhưng cũng có trường hợp kéo dài từ 6-12 tháng thậm chí có trường hợp kéo dài tới 2-3 năm. Nhiều người cho rằng những mảng vảy da sẽ khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, nhưng thực chất tình trạng này không xảy ra.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu ở trẻ sơ sinh
Hiện tại các nghiên cứu đều chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác gây tình trạng cứt trâu ở da đầu của trẻ sơ sinh. Đa phần mọi người cho rằng tình trạng trên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Vấn đề vệ sinh: Việc tắm gội cho trẻ không đúng cách cũng có thể khiến tình trạng viêm da tiết bã xuất hiện. Một số bà mẹ quan niệm trẻ mới sinh còn non yếu, nên khi vệ sinh cho bé không dám mạnh tay hoặc kiêng nhiều thứ, thậm chí tự ý hạn chế tắm gội cho con. Đôi khi chỉ vệ sinh lau sơ qua, khiến bụi bẩn tích tụ trên da, làm tắc lỗ chân lông. Từ đó các mảng bám da đầu xuất hiện dẫn tới hiện tượng cứt trâu da đầu ở trẻ sơ sinh.
- Tuyến bã nhờn nang lông: Khi tuyến bã nhờn nang lông ở trẻ hoạt động mạnh mẽ làm tăng cường tiết bã nhờn. Lúc này tế bào chết kết hợp với bã nhờn làm cản trở sự phát triển của tế bào mới. Tế bào chết tích tụ nhiều tạo thành các mảng đóng vảy trên da đầu.
- Trẻ tiêu hóa kém: Viêm da tiết bã – Cứt trâu da đầu trẻ sơ sinh còn xuất phát từ nguyên nhân tiêu hóa hoặc cơ địa của trẻ. Một số trẻ hệ tiêu hóa kém dẫn cơ thể khó hấp thụ các vitamin và biotin. Xuất hiện tình trạng da tiết nhiều dầu thừa và hình thành mảng vảy bám trên da đầu.
- Thời tiết nóng ẩm: Thời tiết nóng ẩm, bé đội mũ nhiều khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, lô chân lông bị tắc. Đây cũng là nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã ở da đầu trẻ
Dấu hiệu trẻ bị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu
Không phải tất cả trẻ sinh ra đều bị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu. Theo học viện Bác sĩ gia đình Hoa Kì, tình trạng này chỉ xuất hiện ở các bé trai với tỉ lệ 10%; ở bé gái là 9.5%.
Một số dấu hiệu dễ thấy nhất khi trẻ bị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu là:
- Da đầu trẻ có thể hơi nhờn, xuất hiện các mảng bám màu trắng, vàng hoặc vảy nâu. Theo thời gian các vảy này sẽ bong ra và biến mất dần.
- Da đầu có thể đỏ không có vảy bám hoặc có những mảng vảy bám màu trắng rải rác. Do đó rất nhiều bà mẹ thắc mắc liệu con có bị ngứa hoặc khó chịu không. Tuy nhiên điều này là bình thường không gây tình trạng ngứa hay khó chịu cho bé.
- Một số trường hợp trẻ có thể bị rụng tóc ngay vị trí mảng cứt trâu đóng vảy, tuy nhiên sau khi cứt trâu biến mất, tóc ở vị trí này sẽ mọc bình thường trở lại.
- Ngoài da đầu, mẹ có thể nhận biết dấu hiệu cứt trâu xuất hiện ở một số vị trí khác như: lông mày, đằng sau tai, trên mặt, nách hoặc vùng da trẻ mặc tã.
Mẹo trị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu cho trẻ sơ sinh
Tuy không phải là dạng bệnh lý nguy hiểm, nhưng để da đầu của con được sạch sẽ hơn, mẹ có thể thực hiện một số mẹo trị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu cho trẻ sơ sinh dưới đây:
1. Gội đầu sạch sẽ
Gội đầu sạch sẽ là cách hữu hiệu để loại bỏ các phần bã nhờn, dầu dư thừa trên da đầu của trẻ. Từ đó, loại bỏ các nguyên nhân gây viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu. Phụ huynh nên sử dụng các loại dầu gội chuyên dùng cho trẻ sơ sinh và đảm bảo phù hợp với độ tuổi của con.
Không sử dụng các dung dịch chuyên trị gàu hay có tính tẩy rửa mạnh vì chúng có thành phần không tốt cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tần suất gội đầu cho con, vì nếu gội quá nhiều lần trong tuần có thể khiến da đầu trẻ bị khô, khiến tình trạng viêm da tiết bã trầm trọng hơn.
2. Chải tóc
Khi gội đầu xong, những mảng bám sẽ bong và còn mắc ở phần tóc của bé. Lúc này bạn dùng lược chải tóc của con để lấy đi những mảng bám trên. Ba mẹ hãy dùng loại lược mềm hoặc tốt hơn là dòng lược chuyên dụng để trải các mảng cứt trâu da đầu mà không làm xước da mỏng manh của trẻ. Nếu bạn chưa có, tạm thời có thể dùng bàn chải đánh răng thay thế.
3. Massage da đầu
Một mẹo rất hay được các bà mẹ sử dụng đó là dùng dầu dừa, dầu oliu, hạnh nhân, jojoba hoặc vaseline để massage da đầu cho con. Cách này giúp phần mảng vảy không còn bám chặt vào da đầu, tình trạng cứt trâu được cải thiện khá hiệu quả sau khoảng 3-5 lần massage. Những loại dầu trên còn giúp nuôi dưỡng vùng da bị ảnh hưởng giúp tóc mọc khỏe hơn.
Tuy nhiên trước khi sử dụng bất cứ loại dầu nào trên đầu trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn rằng con không bị dị ứng hoặc kích ứng da khi sử dụng.
Cách thực hiện khá đơn giản như sau:
- Bước 1:Dùng một vài giọt dầu trong các loại trên vào phần chân tóc của con
- Bước 2: Dùng tay hoặc bàn chải mềm nhẹ nhàng xoa trong 1 phút. Lưu ý nếu trẻ vẫn còn thóp đầu, cần cẩn trọng khi thoa dầu ở vị trí này.
- Bước 3: Đợi tầm 15 phút sau đó rửa sạch bằng cách gội đầu cho bé bằng dầu gội trẻ sơ sinh
4. Thoa tinh dầu
Nếu trẻ bị viêm da tiết bã do nấm men, bố mẹ có thể sử dụng các loại tinh dầu chống viêm như tinh dầu hạnh nhân, tinh dầu chanh hoặc tinh dầu phong lữ để làm dịu da đầu cho bé.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Hòa 1 vài giọt một trong những tinh dầu trên cùng với 2 thìa súp dầu nền (dầu dừa, dầu bơ, dầu ô liu, dầu jojoba).
- Bước 2: Thoa nhẹ nhàng hỗn hộp trên lên những vùng da đầu có mảng bám cứt trâu
- Bước 3: Dùng lược mềm chải nhẹ để cứt trâu bong ra sau đó gội đầu cho bé bằng dầu gội trẻ sơ sinh.
Với những bé lần đầu sử dụng, để tránh kích ứng, mẹ nên thử một bôi một lượng nhỏ dầu hoặc tinh dầu tại 1 vùng da đầu và chờ vài phút để xem liệu trẻ có bị kích ứng.
Một số ý kiến cho rằng có thể sử dụng tinh dầu tràm để hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên loại tinh dầu này có thể ảnh hưởng không tốt với những bé dưới 6 tháng tuổi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại tinh dầu phù hợp.
5. Sử dụng thuốc trị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu
Nếu tình trạng viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu ở trẻ nặng, các mảng cứt trâu xuất hiện dày và nhiều. Mẹ có thể đưa bé tới các bệnh viện khoa nhi. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại kem chống nấm hoặc chứa thành phần kẽm hay hydrocortisone để cho con sử dụng. Tuyệt đối không nên tự ý muốn thuốc cho con vì có thể khiến tình trạng viêm da diễn biến nặng hơn.
Trên là một số mẹo trị viêm da tiết bã (cứt trâu) da đầu cho trẻ sơ sinh giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm chăm sóc và vệ sinh cho trẻ. Vốn dĩ tình trạng này bình thường không gây hại tới sức khỏe của con nên ba mẹ hoàn toàn có thể yên tâm và chờ đợi cho các mảng bám bong ra và biến mất.
Trường hợp nếu da đầu trẻ có dấu hiệu đỏ nặng, bị nhiễm trùng, kích ứng khiến cứt trâu lan rộng phần mặt, cơ thể. Hoặc bé cảm thấy ngứa và khó chịu ở vùng da đóng vảy, ba mẹ cần lưu ý và đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều trị chính xác.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Tầm quan trọng của tư thế cho con bú đúng và các tư thế cho bú tiêu chuẩn trong nuôi con 20/01/2021 17:16
- Các cách duy trì nguồn sữa trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bạn đã biết chưa? 20/01/2021 17:16
- Hướng dẫn chi tiết cách vắt sữa mẹ bằng tay 20/01/2021 17:16
- Trẻ quấy khóc ngay khi được đặt nằm xuống: Nguyên nhân và cách giải quyết 20/01/2021 17:16