Cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết?
Cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh hiệu quả nhất cần chú trọng hạ sốt đúng cách, đảm bảo cho con được tiếp đủ nước thông qua bú sữa, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.
Sốt phát ban là bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh nhất là với trẻ từ 5 đến 36 tháng tuổi. Khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, chưa hoàn thiện đầy đủ, trẻ dễ bị tấn công bởi virus hoặc tác động từ môi trường.
Sốt phát ban nếu không được can thiệp kịp thời có thể biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm não, viêm tai giữa,… Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức về cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả.
Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Sốt phát ban là tình trạng nóng sốt và nổi mẩn đỏ trên bề mặt da. Đây là dạng bệnh lý gây ra chủ yếu bởi virus (chiếm khoảng 70-80%) có khả năng lây lan nhanh từ người qua người thông qua tiếp xúc cơ thể, bề mặt và nhiều nhất là qua đường hô hấp. Một số loại viruss gây sốt phát ban có thể kể đến như: Virus sởi, virus Rubella, virus herpes 6,7,…
Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh gặp nhiều và dễ xảy ra nhất với trẻ thiếu tháng do khả năng miễn dịch kém, kháng thể từ mẹ sang con không đủ để phòng tránh virus bệnh. Một số trường hợp ba mẹ hoặc người chăm trẻ bị sốt phát ban nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, thông qua tiếp xúc sẽ vô tình lây bệnh cho trẻ.
Triệu chứng trẻ bệnh sốt phát ban
Thời gian ủ bệnh của sốt phan ban cho tới khi xuất hiện triệu chứng tầm 1-2 tuần. Ba mẹ có thể nhận biết con bị sốt phát ban thông qua một số dấu hiệu sau:
1. Trẻ bị sốt cao
Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh sốt phát ban chính là trẻ sốt đột ngột từ 37.5 độ C đến 38 độ C. Một số trường hợp sốt nặng ở 39.4 - 40 độ C. Các cơn sốt dai dẳng kéo dài 3-7 ngày và khó cắt cơn. Đây cũng là triệu chứng đầu tiên khi trẻ nhiễm virus bệnh.
2. Nổi ban đỏ ở trên da
Kèm với các cơn sốt, trẻ bị nổi ban đỏ trên da. Vết ban có kích thước nhỏ, như đầu kim, xuất hiện ở nhiều vị trí như sau tai, đầu, tay, mông, lưng,… Các vết này có thể xuất hiện từ một ví trí trên cơ thể sau đó mới bắt đầu lan sang các bộ phận khác.
3. Một số triệu chứng khác kèm theo
Bên cạnh hai triệu chứng đặc trưng ở trên, trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: Trẻ biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc và hay cáu gắt, biếng ăn, bỏ ăn, tiêu chảy hoặc các vấn đề khác về tiêu hóa, sưng hạch ở cổ, hơi thở nóng, thở nặng hơn bình thường, sưng mắt, nôn mửa, ho, sổ mũi,….
Cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ, không có triệu chứng đặc biệt khác kèm theo, ba mẹ có thể thực hiện điều trị và chăm sóc trẻ tại nhà như sau:
- Hạ sốt đúng cách cho trẻ: ba mẹ có thể dùng khăn nhúng nước ấm chườm để hạ sốt cho con. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh vì có thể gây nguy hiểm cho bé. Nếu con sốt cao cần tới thuốc hạ sốt, ba mẹ cần tham khảo và có toa chỉ định từ bác sĩ.
- Thường xuyên cặp nhiệt độ theo dõi các cơn sốt của bé. Mẹ cũng nên nới bớt quần áo, hoặc cho con mặc thoáng hơn để bé cảm thấy thoải mái.
- Mẹ nên cho con bú nhiều hơn để bù đắp lượng nước mất và bổ sung đề kháng cho trẻ
- Trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi cần vệ sinh bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ muối chuyên dụng.
- Vệ sinh cơ thể con sạch sẽ, tránh để trẻ gãi nhiều làm trầy xước da có thể dẫn tới nhiễm trùng.
- Lên kế hoạch thời gian cho con nghỉ ngơi đúng giờ và hợp lý. Không tự ý chùm kín khi con ngủ hoặc kiêng gió kiêng nước vì rất dễ làm trẻ khó chịu.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đặc biệt là đồ dùng sinh hoạt của trẻ.
Khi nào trẻ bị sốt phát ban cần đưa tới bệnh viện
Khi trẻ bị sốt phát ban, ba mẹ và người chăm sóc trẻ cần theo dõi liên tục tình hình sức khỏe của bé. Ngay khi thấy các dấu hiệu sau, con cần đưa tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
- Trẻ bị sốt cao trên 39 độ hoặc sốt liên tục không có dấu hiệu giảm nhẹ kể cả khi đã phát ban.
- Có biểu hiện lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức, hôn mê.
- Khó thở, thở nhanh.
- Xuất hiện cơn co giật.
- Trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bị sốt.
- Tình trạng phát ban không có dấu hiệu cải thiện.
- Trẻ bị mất nước: tiểu ít, da khổ, khóc khan (không ra nước mắt),…
Phòng ngừa sốt phát ban
Sốt phát ban có tính truyền nhiễm, lan rộng ra cộng đồng, do vậy chủ động phòng ngừa bệnh là ưu tiên hàng đầu giúp trẻ bảo vệ sức khỏe. Ba mẹ cần thực hiện như sau:
- Cho con tiêm phòng đủ các vacxin ngừa bệnh truyền nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với môi trường có người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm sốt phát ban.
- Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ nhiều để bổ sung tăng cường kháng thể cho hệ miễn dịch.
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ đồng thời vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
- Trường hợp trẻ bị sốt phát ban, ba mẹ chủ động chăm sóc con tại nhà cho tới khi trẻ khỏi bệnh, tránh môi trường tập thể khiến bệnh lây lan bùng phát rộng.
Một số chia sẻ trên về cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh có thể giúp ba mẹ chăm sóc trẻ bị bệnh đúng cách tại nhà. Tuy nhiên trong độ tuổi sơ sinh nhạy cảm và dễ bị tác động do nhiều yếu tố khác nhau. Các ba mẹ vẫn nên cho con tới thăm khám tại các cơ sở y tế. Dựa trên dấu hiệu hoặc xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ đưa ra chuẩn đoán chính xác để điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Chăm sóc trẻ sơ sinh: Những điều kiêng kỵ mẹ cần biết 20/01/2021 17:16
- Các chăm sóc thiết yếu cho trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời 20/01/2021 17:16
- Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có nguy hiểm không 20/01/2021 17:16
- Mẹo chữa hăm tã ở trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả 20/01/2021 17:16