Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp thường bao gồm các biểu hiện bất thường tại đường hô hấp như mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản, Khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi
Trẻ nhỏ đặc biệt trẻ sơ sinh rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và còn yếu. Ngoài ra do thời tiết của Việt Nam có nhiều mùa, nóng lạnh đan xen, khí hậu ẩm, cũng là tiền đề cho virut, vi khuẩn nấm mốc phát triển khiến tỉ lệ trẻ ở nước ta mắc bệnh viêm đường hô hấp cao hơn.
Theo khuyến cáo, viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ là bệnh nguy hiểm, có thể để lại biến chứng khó lường. Do vậy, mỗi ba mẹ hãy trang bị cho mình kiến thức chắc chắn về dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm đường hô hấp và cách điều trị phù hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con nếu lỡ mắc bệnh.
Viêm đường hô hấp ở trẻ là bệnh gì?
Viêm đường hô hấp là tình trạng viêm nhiễm ở một hoặc một số cơ quan trong hệ thống hô hấp. Những cơ quan này bao gồm đường mũi, hầu họng, thanh quản, các bộ phận cấu tạo thành xoang.
Bình thường không khí đi từ ngoài vào cơ thể qua mũi, được lọc sau đó đưa đến phổi. Tiếp theo không khí tiếp tục được lọc lại và thực hiện quá trình trao đổi khí. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân, một trong những cơ quan hô hấp bị viêm ảnh hưởng tới quá trình hô hấp, đồng thời ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
Viêm đường hô hấp ở trẻ được chia thành hai nhóm chính:
- Viêm đường hô hấp trên: Là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn cơ quan hô hấp trên bao gồm mũi, họng, xoang, hầu và thanh quản. Một số bệnh phổ biến như: Viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan, viêm tai giữa, cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Viêm đường hô hấp dưới: Là tình trạng viêm, nhiễm khuẩn cơ quan hô hấp dưới gồm: Khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi. Các cơ quan này nằm tuyến cuối của hệ hô hấp nên ít bị viêm hơn so với các cơ quan tuyến trên (viêm đường hô hấp trên). Các bệnh lý phổ biến có thể kể đến gồm: Viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 4 triệu ca tử vong ở trẻ nhỏ đến từ các bệnh viêm đường hô hấp, xuất phát chủ yếu từ bệnh viêm phổi. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm đường hô hấp và có khả năng tái nhiễm cao. Ba mẹ cần nhận biết bệnh sớm cho trẻ để có phương pháp điều trị kịp thời.
Vì sao trẻ nhỏ hay bị viêm đường hô hấp
Khác so với người trường thành, trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh thường có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng kém, khó chống lại được các tác nhân có hại trong môi trường sống. Do vậy trẻ dễ bị virus và vi khuẩn tấn công gây viêm đường hô hấp.
Một số loại virut gây viêm đường hô hấp ở trẻ phổ biến như: Virus cúm, virus sởi, corona virus, virus hợp bào hô hấp (RSV), rhinovirus, enterovirus, adenovirus,…. Các chủng virus này lây từ người qua người khi trẻ tiếp xúc với dịch tiết hô hấp, giọt bắn của người bị nhiễm virus. Do đó, viêm đường hô hấp do virus có thể lây lan, thậm chí lan rộng ra cộng đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra còn có một số loại vi khuẩn khác cũng thường gây bệnh viêm đường hô hấp gồm: Haemophilus Influenzae týp B (Hib), phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae), liên cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Chlamydia Trachomatis, vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae… Môi trường sống kém, nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá sẽ khiến các vi khuẩn hoạt động mạnh hơn.
Thời tiết cũng là nguyên nhân dẫn tới trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, nhất là trong thời tiết chuyển giao mùa hoặc vào mùa lạnh. Trẻ có cơ địa dị ứng thời tiết hoặc trẻ có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Dấu hiệu nhận viết trẻ bị viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp ở trẻ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với người trưởng thành. Khi bị virus vi khuẩn tấn công, bệnh sẽ biểu hiện triệu chứng mạnh mẽ và tiến triển nhanh. Những dấu hiệu đặc trưng ba mẹ dễ nhận biết bệnh viêm hô hấp ở con bao gồm:
- Hắt hơi nhiều
- Sổ mũi, nghẹt mũi, trẻ sụt sịt liên tục
- Trẻ bị ngứa họng, đau rát họng, nuốt nước bọt hoặc ăn uống bị đau ở họng
- Trẻ ho, ho khan, ho có đờm
- Sốt thường hoặc sốt cao
- Trẻ mệt mỏi, tinh thần khó tập trung, cáu gắt, quấy khóc bất thường
- Trẻ chán ăn
- Trẻ bỏ bú, bú ít (với trẻ đang trong thời gian bú)
- Nhiệt độ cơ thể tăng
- Đau nhức cơ
- Trẻ có biểu hiện nôn, buồn nôn
- Tiêu chảy và các bệnh tiêu hóa khác
- Khó thở, tái hoặc tím da (thường xuất hiện khi bệnh trở nặng)
Trẻ bị viêm đường hô hấp có thể tự khỏi sau khoảng 5-6 ngày nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên một số trường hợp chuyển biến xấu, biến chứng thành bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi gây viêm và nhiễm trùng nặng. Do vậy, khi có các dấu hiệu trên, ba mẹ không lên chủ quan, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ để chuẩn đoán bệnh và điều trị đúng cách.
Cách điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ nhỏ
1. Điều trị bằng thuốc
Dựa vào tình trạng mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm ho, giảm sốt,…. . Trong một số trường hợp, thuốc kháng virus cúm được chỉ định để rút ngắn thời gian sốt, giúp trẻ hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Tất các những loại thuốc này đều phải có sự chỉ định và dùng theo đúng liều lượng bác sĩ yêu cầu. Không được tự ý mua thuốc cho con sử dụng vì có thể gián tiếp gây nguy hiểm cho trẻ.
2. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Đối với trẻ viêm đường hô hấp mức độ nhẹ, ba mẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho con như sau:
- Trẻ bị ngạt mũi, chảy nước mũi: Ba mẹ thường xuyên lau mũi, hút mũi và nhỏ mũi cho con để giúp con thông thoáng đường thở. Với trẻ nhỏ, mẹ dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi con sau đó dùng dụng cụ hút mũi, hút sạch dịch nhầy ra khỏi mũi trẻ. Với trẻ trường thành hơn, sau khi nhỏ mũi, có thể hướng dẫn trẻ tự hỉ dịch mũi ra ngoài.
- Trẻ bị ho, ho khan, ho có đờm: Mẹ có thể tham khảo một số loại thuốc trị ho, giảm ho từ dược liệu cho trẻ thông qua kê toa của bác sĩ và cho con sử dụng với liều lượng, tần suất phù hợp.
- Trẻ bị sốt: Ba mẹ hạ sốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ, một số trẻ sẽ được chỉ định cho sử dụng thuốc hạ sốt. Song song với đó, mẹ cho con uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất. Với trẻ con bú sữa, tăng cường cho con bú sữa mẹ đẻ bù nước và khoáng chất, dinh dưỡng cần thiết.
- Thêm vào đó, ba mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của con khi trẻ bị bệnh. Cho con sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu hóa, bổ sung thêm vitamin và chất xơ từ rau xanh, hoa quả để cung cấp đủ năng lượng cho con, giảm thiểu mức độ của triệu chứng bệnh.
Phòng ngừa viêm đường hô hấp cho trẻ
Viêm đường hô hấp dễ gặp cũng dễ tái phát, do vậy phòng bệnh cần chủ chương đặt lên hàng đầu:
- Tiêm chủng đầy đủ cho con theo đúng lịch, độ tuổi của chương trình tiêm chủng Quốc gia.
- Cung cấp bữa ăn dinh dưỡng đủ chất cho trẻ.
- Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ đầy đủ, không nên cai sữa sớm.
- Hạn chế đưa con tới nơi đông người vào mùa dịch bệnh.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống cũng như vệ sinh cho trẻ đúng cách, nhất là hình thành thói quen rửa tay cho bé để diệt sạch virus.
Trên là những chia sẻ về dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm đường hô hấp và cách điều trị bệnh hiệu quả an toàn cho con. Hi vọng sẽ giúp ba mẹ nhanh chóng phản ứng kịp thời trước tình trạng con mắc phải. Nếu thấy con có các biểu hiện bất thường như sốt cao, bỏ ăn, ho nhiều, nôn mửa, khó thở, co lõm ngực, tiêu chảy hoặc bất kì dấu hiệu bất thường khác, hãy đưa trẻ tới ngay bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Chăm sóc trẻ sơ sinh: Những điều kiêng kỵ mẹ cần biết 20/01/2021 17:16
- Các chăm sóc thiết yếu cho trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời 20/01/2021 17:16
- Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có nguy hiểm không 20/01/2021 17:16
- Những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi 20/01/2021 17:16