Những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Hàng năm có khoảng 150 triệu viêm phổi trẻ em xảy ra, trong đó có khoảng 11 triệu trẻ em nhập viện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo bệnh viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong cao hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị bệnh sẽ giúp ba mẹ trang bị được kiến thức những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi để bảo vệ con an toàn nhất.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là gì
Viêm phổi là tình trạng phổi nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,... tấn công. Khi bị nhiễm trùng, các ống dẫn khí sưng nề, tạo ra nhiều chất nhầy. Chính chất nhầy này sẽ chặn đường thở khiến bệnh nhân khó thở, giảm lượng oxy đi vào cơ thể.
Viêm phổi ở trẻ được chia làm 2 dạng:
- Viêm phổi thùy: Là tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi, viêm ống phế nang, túi phế nang, viêm phế quản tận cùng. Trẻ suy dinh dưỡng hoặc có tiền sử mắc bệnh hô hấp thường dễ mắc viêm phổi thùy hơn. Bệnh cũng xuất hiện nhiều trong thời điểm giao mùa nhất là mùa đông xuân, khí hậu ẩm là điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
- Viêm phổi phế quản: Là tình trạng viêm nhiễm trùng cấp lan tỏa ở phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tháng tuổi. Viêm phế quản phổi thường diễn biến nhanh, biến chứng nặng và thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân dẫn tới viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính dẫn tới viêm phổi do các chủng virus, vi khuẩn. Phổ biến là loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae – một dạng vi khuẩn lây lan qua đường hô hấp. Bên cạnh đó có thể kể tới vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib), virus hợp bào đường hô hấp (RSV), Listeria, Coli, vi khuẩn Gram âm,… cũng là tác nhân hay gặp.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh còn xuất phát từ một số nguyên nhân khác như:
- Trong thời gian còn mang thai, thai nhi trong tử cung thiếu dưỡng khí, hình thành dị dạng hoặc phát triển bất thường ở lá phổi.
- Trẻ trong quá trình sinh hít phải nước ối, phân su đã nhiễm khuẩn hoặc do cơ quan sinh dục của mẹ trong quá trình sinh bị viêm nhiễm.
- Trẻ sinh non, phổi chưa phát triển, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng.
- Trẻ suy dinh dưỡng có hệ miễn dịch yếu.
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có lượng máu tới phổi cao hơn bình thường.
- Trẻ bị dị tật hệ hô hấp, hệ thông dẫn khí hẹp hoặc tắc nghẽn.
- Trẻ trong môi trường ô nhiễm nhất là có tác nhân từ khói bụi, khói thuốc lá.
- Thời tiết cũng là nguyên nhân có thể khiến trẻ bị viêm phổi.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi
Đối với người trưởng thành, viêm phổi có thể biểu hiện ra bên ngoài hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch còn lỏng lẻo, sức đề kháng kém, triệu chứng viêm phổi sẽ nặng hơn nhiều. Ba mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi thông qua những dấu hiệu lâm sàn sau:
- Sốt: Là triệu chứng điển hình, trẻ có thể sốt cao hoặc thấp;
- Ho: Trẻ ho khan hoặc ho có đờm;
- Thở khò khè hoặc thở nhanh;
- Trẻ khó thở, dấu hiệu dễ thấy nhất là co lõm ngực. Khi trẻ thở các cơ ở ngực co lại và lồng ngực lõm xuống;
- Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì;
- Trẻ bú kém hoặc bỏ bú;
- Da xanh xao;
- Trẻ ngưng thở, tím tái.
Theo tổ chức Y tế thế giới, khi trẻ bị viêm phổi, dấu hiệu xuất hiện sớm nhất là thở nhanh. Ba mẹ có thể quan sát dấu hiệu này bằng cách vén áo rồi quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng. Cần quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc lúc ngủ, không quan sát trong khi trẻ đang quấy khóc.
- Trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, thở nhanh với 50 lần/phút trở lên.
- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, thở nhanh khi 40 lần/phút trở lên.
Những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Khi thấy trẻ có dấu hiệu viêm phổi, gia đình cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị trước khi bệnh biến chứng nặng nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang để đánh giá mức độ tổn thương của phổi. Ngoài ra có thể xác định nguyên nhân gây bệnh thông qua xét nghiệm máu, dịch tiết hô hấp.
Trường hợp xác định đúng trẻ bị viêm phổi, tùy vào tác nhân gây bệnh, phương hướng điều trị sẽ khác nhau:
- Trẻ viêm phổi do virus: Cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Trẻ viêm phổi do nấm: Điều trị bằng thuốc chống nấm.
- Trẻ viêm phổi do vi khuẩn và mycoplasma: Điều trị bằng thuốc kháng sinh theo toa và chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra ba mẹ cần chú ý tới các chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà như:
- Hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa được chỉ định.
- Long đờm bằng cách vỗ lưng giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Trẻ bị nghẹt mũi cần rửa mũi bằng nước muối y tế.
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nếu trẻ đang trong độ tuổi bú sữa mẹ, cần tăng cường cho con bú để bổ sung nước và kháng thể từ mẹ.
- Vệ sinh đúng cách cho con đồng thời vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu bị bệnh hoặc nếu trẻ đang viêm phổi, cần để trẻ nghỉ ngơi tại nhà cho tới khi khỏi hẳn để tránh lây lan môi trường cộng đồng.
- Nếu bệnh diễn biến không giảm hoặc có dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện để được thăm khám.
Các cách phòng tránh viêm phổi cho trẻ sơ sinh hiệu quả
- Tiêm phòng đầy đủ: Hiện tại đã có nhiều vắc xin giúp trẻ phòng ngừa các tác nhân gây bệnh và biến chứng của bệnh. Ba mẹ cần tuân thủ theo đúng lịch tiêm phòng Bộ y tế đề xuất. Tiêm phòng cho trẻ vừa là cách bảo vệ an toàn cho con cũng là cách bảo vệ cho cộng đồng xung quanh.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Trẻ sơ sinh cần cho bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu để có những kháng thể cần thiết. Ngoài ra ba mẹ hãy sắp xếp giờ sinh hoạt của con một cách khoa học, ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ
- Tạo môi trường sống lành mạnh cho con: Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, khói thuốc lá hoặc người có dấu hiệu nhiễm bệnh (ho, sổ mũi, đau họng,...). Vệ sinh đồ dùng, bình sữa, dụng cụ ăn uống, quần áo của trẻ thường xuyên để tránh vi khuẩn, nấm mốc.
Trên đây là hướng dẫn cơ bản những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi. Triệu chứng của viêm phổi thường rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp khác, nếu không điều trị đúng cách hoặc kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Do vậy khi thấy bất kì dấu hiệu nào của viêm phổi, ba mẹ nên cho con tới bệnh viện để chuẩn đoán chính xác bệnh để được chỉ định điều trị phù hợp.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Chăm sóc trẻ sơ sinh: Những điều kiêng kỵ mẹ cần biết 20/01/2021 17:16
- Các chăm sóc thiết yếu cho trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời 20/01/2021 17:16
- Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có nguy hiểm không 20/01/2021 17:16
- Cách điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh mẹ cần biết? 20/01/2021 17:16