Tác dụng của việc tắm lá trầu không cho bé
Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, nhiều bà mẹ hiện nay sử dụng lá trầu không như một bài thuốc dân gian trị bệnh ngoài da cho con.
Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, nhiều bà mẹ hiện nay sử dụng lá trầu không như một bài thuốc dân gian trị bệnh ngoài da cho con. Vậy thực tế tác dụng của việc tắm lá trầu không cho bé là gì? Liệu lá trầu có thực sự tốt và an toàn với trẻ nhỏ? Cùng các chuyên gia của Babie & mom care tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Có nên tắm lá trầu không cho trẻ sơ sinh?
Trong Đông y, lá trầu có tính ấm, cay, sát khuẩn tốt, trừ phong, tiêu viêm hiệu quả. Lá trầu có thể sử dụng để tắm, xông hơi giúp cải thiện tình trạng da sưng tấy, viêm nhiễm, khử mùi hôi và điều trị một số bệnh về da khác.
Với trẻ nhỏ, tắm lá trầu có thể cải thiện tình trạng rôm sảy, hăm, chàm, viêm da do dị ứng nhẹ,…. Có nên tắm lá trầu không cho con không phụ thuộc rất lớn vào cách ba mẹ sử dụng. Trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh có làn da mỏng, lá trầu lại có tính cay nóng, nếu chà sát hoặc sử dụng tần suất nhiều có thể khiến gây tổn thương da hoặc viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
Ba mẹ lưu ý tới liều lượng sử dụng cũng như tần suất sử dụng trong thời gian điều trị sao cho hợp lý để lá trầu phát huy đúng công dụng và có hiệu quả tốt. Với trẻ có làn da mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc kích ứng, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm lá cho con.
Tác dụng của việc tắm lá trầu không cho trẻ sơ sinh
Điều trị rôm sảy, mẩn ngứa
Với khả năng sát khuẩn cao, lá trầu thường được dụng để tắm cho trẻ để loại bỏ các vi khuẩn trên da, làm giảm triệu chứng của rôm sảy và mẩn ngứa. Lá trầu cũng có tính kháng viêm cao, giúp da trẻ nhanh lành hơn mà không để lại tác dụng phụ. Đây cũng được coi như phương pháp điều trị tiết kiệm kinh tế cho ba mẹ lại cực kì hữu hiệu.
Chữa hăm cho trẻ
Trong lá trầu có chứa hoạt chất polyphenol, diệt trừ các vi khuẩn đồng thời ngăn ngừa sự tấn công của mềm bệnh, nấm. Mẹ chỉ cần cho trẻ tắm lá trầu có thể giúp bé tránh bị hăm, viêm và sưng tấy.
Trị bệnh chàm sữa ở trẻ
Chàm sữa là bệnh ngoài da khiến da trẻ nổi mẩn đỏ, thành mảng khô hoặc rải rác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lá trầu có chứa hoạt chất Eugenol, Estragol, Chavicol, Chavibetol có tác dụng trị chàm sữa rất tốt. Đông y và y học hiện đại đều đánh giá cao công dụng chữa chàm sữa của lá trầu.
Tắm lá trầu không chỉ giúp da trẻ sạch khuẩn, giảm ngứa mà còn cung cấp độ ẩm dưỡng da, thúc đẩy quá trình tái tạo giúp da nhanh lành hơn.
Cách tắm lá trầu không cho trẻ sơ sinh an toàn
Để lá trầu phát huy công dụng hiệu quả và an toàn với da trẻ nhỏ, mẹ có thể thực hiện tắm lá trầu cho bé theo các bước sau:
Bước 1: Mẹ chuẩn bị khoảng 2-3 lá trầu tươi, nên chọn lá lành không sâu bệnh. Cùng với đó cần chuẩn bị thêm khăn sạch, nước và chậu tắm.
Bước 2: Rửa sạch lá trầu, ngâm với chút muối để loại bỏ chất bẩn trên lá. Sau đó đun cùng với một ít nước chờ sôi trong vòng 10-15 phút thì tắt bếp.
Bước 3: Chắt lấy nước cốt lá trầu không vừa mới đun, pha cùng 2-3l nước tắm với tỉ lệ sao cho đạt nhiệt độ lý tưởng tầm 35-38 độ C.
Bước 4: Sử dụng khăn mềm thấm nước đã pha ở trên, vắt bớt, vệ sinh lau nhẹ nhàng cơ thể cho bé. Mẹ chú ý vệ sinh các vùng da ở cổ, nách, khủy tay, khủy chân, bẹn,… đây là những vùng da thường bị rôm sảy, mụn nhọt. Mẹ chú ý không kì cọ quá mạnh có thể gây trầy xước da, làm vùng da viêm kích ứng nặng hơn.
Bước 5: Tráng lại cho trẻ bằng 1 lượt nước sạch để rửa trôi cặn lá trầu sót trên da bé.
Bước 6: Lau khô và mặc quần áo thoáng mát hoặc bỉm cho con để trẻ không bị nhiễm lạnh.
Lưu ý khi tắm lá trầu không cho bé
Tuy việc tắm lá trầu không cho trẻ đơn giản nhưng mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:
- Với lá trầu có nghi ngờ phun thuốc, dung dịch hóa chất, mẹ tuyệt đối không hái nấu nước tắm cho trẻ. Ngoài ra mẹ cần rửa sạch lá trầu, ngâm với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn.
- Với trẻ lần đầu tiếp xúc với nước lá trầu, mẹ nên thử một ít dưới cánh tay của con. Nếu trẻ không bị kích ứng, mẹ có thể tiếp tục thực hiện tắm cho con.
- Tần suất tắm lá trầu chỉ nên từ 1-2 lần mỗi tuần.
- Pha nước theo tỉ lệ phù hợp, nước quá nóng sẽ khiến da trẻ rát bỏng và khó chịu.
- Tuyệt đối không tắm lá trầu nói riêng và các loại lá nói chung đối với trẻ bị rôm sảy nặng, mụn có mủ, trầy xước, nhiễm trùng,… Lúc này việc tắm nước lá không những không có tác dụng mà còn có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào sâu trong da gây nhiễm khuẩn nặng hơn.
- Với trẻ nhỏ có làn da quá nhạy cảm, thường xuyên bị dị ứng, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chắc chắn liệu con có phù hợp với phương pháp tắm lá trầu không.
Thông qua những giải đáp hữu ích của các chuyên gia về tác dụng của việc tắm lá trầu không cho bé, Babie & Mom Care hy vọng các cha mẹ đã hiểu thêm về những công dụng tuyệt vời của phương pháp này, đồng thời nắm được những lưu ý quan trọng để có thể tắm cho con thật hiệu quả và an toàn nhé.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn của Ths.ĐD. Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh.
- tin liên quan
- Da kề da quan trọng như thế nào với trẻ sơ sinh? 20/01/2021 17:16
- Các bài thuốc dân gian chữa rôm sảy cho bé tại nhà 20/01/2021 17:16
- Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm đường hô hấp 20/01/2021 17:16
- Những điều cần làm khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi 20/01/2021 17:16